Thiệt thòi vì mồ côi mẹ
Bà Quế kể, cuộc đời bà thiệt thòi nhất là mất mẹ từ sớm, khi mới 3 tuổi, nên dại khờ trong mọi việc. Dù bố đã rất cố gắng, nhưng không gì có thể thay thế được người mẹ.
Dại khờ cả trong tình yêu, nên sau hơn 10 năm chung sống, có với nhau 3 mặt con, hai người đã phải chia tay. Lúc đó nhiều người bảo bà dại, chồng đang có chức có quyền mà lại bỏ, nhưng bà nghĩ phải nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Sống chung mà không hợp nhau, mà cứ phải chịu đựng nhau thì thật là khổ, thế nên bà đã can đảm chia tay.
Khi đó mới chưa đến 40 tuổi, còn bận làm ăn, nuôi con cái nên chẳng có thời gian mà buồn. Đã có lúc bà nghĩ đến chuyện đi bước nữa để có người bầu bạn lúc tuổi già, nhưng cứ sợ tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, mà có khi vỏ dừa lại cứng hơn vỏ dưa thì còn khổ hơn, nên lại thôi. Đến khi các con đã trưởng thành, có gia đình riêng, cuộc sống lại có quá nhiều thứ đổi thay, nhiều lúc cũng buồn.
Hàng ngày 6h sáng bà đã khoác túi ra khỏi nhà, đi xe buýt sang bên Hồ Gươm đánh cầu lông cùng nhóm bạn. Trước đây gia đình bà sống trên phố Hàng Ngang nên từ năm 1993, khi nghỉ hưu bà đã tham gia hội cầu lông, toàn bạn bè quanh khu phố cổ. Lúc đầu hội khá đông, phải đến 20 người. Nay thì người đã mất, người ốm yếu không ra được, người chuyển nhà theo con đi nơi khác, nên chỉ còn 5-6 người.
Đánh cầu lông xong thì đi ăn sáng, rồi chuyện trò tâm sự, cũng vui. Sau đó bà đi nằm giường Hàn Quốc, vừa chăm sóc sức khỏe vừa có bạn để chia sẻ. Đến gần trưa mới đi chợ rồi về nấu cơm. Cơm nước với bà rất đơn giản, có khi chỉ mấy bìa đậu, tí bún là xong bữa. Lại có bệnh tiểu đường gần 20 năm nay, nên bà ăn riêng, vì giờ giấc rồi thói quen ăn uống của người già và người trẻ rất khác nhau.
Sợ nhất buổi chiều tối
Bà bảo, sợ nhất là buổi chiều tối, thấy buồn và cô đơn lắm. Khu nhà bà ở bây giờ nhà nào cũng kín cổng cao tường, vào đến nhà là khóa cửa, nhà nào biết nhà nấy, không sang nhà nhau. Con cháu thì có việc của con cháu. Sống cùng gia đình người con trai, 2 đứa cháu cũng đi làm cả rồi, nhưng nhiều khi chẳng biết nói chuyện gì với nhau.
Đi suốt ngày thì chớ, về đến nhà thì mỗi người lại nhìn vào cái điện thoại. Không phải là con cháu hư hay thiếu quan tâm, mà lối sống bây giờ là như thế. Con cái với bố mẹ chúng còn chả mấy khi nói chuyện với nhau, nữa là với bà.
Đó dường như cũng là vấn đề của xã hội hiện đại mà con người phải thích nghi và chấp nhận. Nên về nhà là bà ở trên tầng 3, không gian riêng của mình, có một khoảng để trồng cây, cần gì gọi thì con hoặc cháu mới lên. Chiều tối là bà chỉ có cái TV làm bạn.
Gia đình hai con gái thì ở trong TP HCM. Vẫn biết là các con bận nhiều việc, không thể tháng nào cũng ra thăm mẹ được, nhưng nhiều lúc bà chỉ mong con, cháu gọi điện hỏi thăm. Tuổi già, chẳng cần gì nhiều, chỉ cần được con cháu quan tâm, hỏi han, trò chuyện. Vậy thôi mà cũng khó.
Trước đây, để vui bà thường đi du lịch với bạn bè. Nhưng mấy năm nay, sức khỏe yếu không đi được, lại phải tìm niềm vui khác, đó là tham gia các CLB thơ. Thơ cũng là một cái cớ để được gặp nhau, trò chuyện, chia sẻ với những người cùng tuổi, cùng sở thích với mình.
Cũng may là còn có ngôi nhà để cho thuê, cộng với tiền lương hưu nên về kinh tế cũng tạm ổn. Bà đã tính là nếu sau này già yếu, cũng còn tiền để thuê người chăm sóc, không phải nhờ đến con cháu. Chủ động lo được cho mình như thế là cũng yên tâm phần nào.