Vợ chồng chị Bùi Thị Bích H (quận Bình Tân, TPHCM) mắc Covid-19 và được cách ly tại nhà từ ngày 15/11.
Chị chia sẻ: “Nhà còn hai đứa nhỏ, một 6 tuổi và một 3 tuổi. Khi cả nhà bị cách ly, tôi cũng đã báo lên cho phường là cả hai vợ chồng đều bị, nhưng không hiểu sao chỉ được phát có một túi thuốc. Trong khi chồng tôi lại có bệnh nền như cao huyết áp, thường xuyên bị đau đầu.”
Giá thuốc cũng không quá đắt. Sốt ruột sợ lây cho con và chồng bị nặng hơn, chị H đã tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19 cho chồng.
Có người rao bán 1,6 triệu đồng/hộp, chị mua ngay. Đơn giản vì: “Chồng tôi cần thuốc đặc trị Covid-19 vì còn phải lo cho hai con nhỏ. Tôi phải lo sức khỏe cho chồng tôi trước.”
Nhiều người chẳng may mắc phải Covid-19 cũng có tâm lý giống chị H, luôn thắc thỏm, lo âu.
Một số đối tượng trên địa bàn TPHCM đã rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến về các loại thuốc điều trị Covid-19 có dược chất Molnupiravir hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Hiện nay Molnupiravir đang được thử nghiệm lâm sàng và được xem là thuốc triển vọng trong điều trị Covid-19, giúp giảm từ 30 - 50% nguy cơ nhập viện hoặc nguy cơ tử vong. Do đó nhiều người dân tin rằng Molnupiravir là thần dược và tìm mua, tích trữ loại thuốc này.
Theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, người dân quan tâm đến thuốc Molnupiravir vì muốn bảo vệ sức khỏe của mình.
Tuy nhiên, nếu tự ý mua sử dụng và tích trữ thuốc không đúng chỉ định, Molnupiravir gây hại rất nhiều. Đặc biệt, người dân thường không biết thuốc đó nên dùng khi nào và không nên dùng khi nào. Các thuốc kháng sinh đã nguy hiểm rồi, thuốc kháng virus lại càng nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, thuốc chưa được cấp phép, nên đa số các thuốc đem về rao bán là thuốc giả, nhập lậu, hàm lượng thuốc không đầy đủ nên sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh.
Thuốc Molnupiravir còn có tác dụng nguy hại đến phát triển xương ở trẻ nhỏ nên ở nước ngoài người ta cấm dùng cho trẻ hoặc trên phụ nữ mang thai.
Ngoài ra, nhu cầu điều trị của bệnh nhân Covid-19 rất nhiều. Trong đó, nhiều người sẽ được chỉ định thuốc Molnupiravir để giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Việc mua và tích trữ sẽ làm thiếu hụt cũng như đẩy giá thuốc lên cao. Do vậy, những người đúng chỉ định điều trị lại không được điều trị.
Lạm dụng các thuốc kháng virus dễ dẫn đến khả năng kháng thuốc, gây tăng các đột biến ở virus. trong khi siêu biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã được Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh là một “vấn đề cần quan tâm - VOC” của toàn cầu.
Molnupiravir theo PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng là thuốc tốt điều trị Covid-19 dành cho nhóm người có bệnh nặng, bệnh nền hoặc những người lớn tuổi.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã có công văn 1448 ngày 7/12/2021 gửi Sở Y tế TPHCM yêu cầu tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.
Cục cũng yêu cầu Sở Y tế TPHCM nhanh chóng rà soát, kiểm tra tình trạng thiếu hụt “túi thuốc C” tại các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Nếu có tình trạng thiếu hụt, Sở Y tế TPHCM chủ động có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt để kịp thời cung ứng đầy đủ thuốc cho bệnh nhân F0.