Từ vụ nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại
Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra vụ việc em Trần Thúy Hiền (18 tuổi, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín; là nữ sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngân hàng) bị sát hại.
Theo lời kể của ông Trần Trung Úy, bố của Thúy Hiền, Hiền là người ít chia sẻ, ít nói. Đợt thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua Hiền xét tuyển đỗ Học viện Ngân hàng với gần 26 điểm.
Để con gái biết đường đến trường, 2 ngày đầu, vợ ông Úy đã chở con bằng xe máy. Đến ngày thứ 3, Hiền tự đi bằng xe đạp điện ra chỗ bắt xe buýt, có người nhà đi kèm. Ngày thứ 4, gia đình để cháu tự đi một mình. Đến buổi thứ 5 thì gặp nạn.
Tối 23/10, khi thấy con gái đi học về muộn hơn mọi ngày, cả nhà đã nghĩ đến chuyện chẳng lành. Chờ đợi và không thể liên lạc được với Hiền, 2 vợ chồng ông cùng người thân đã quyết định đi tìm con.
Đoạn đường từ nhà ông ra điểm con gái bắt xe khoảng 5 - 6km. Qua trích xuất camera xác định Hiền đã lấy xe đạp điện đi được khoảng 1 - 2km thì mất tích.
Tìm kiếm đến khoảng 3h sáng ngày 24/10 nhưng không thu được kết quả gì, mọi người đã trình báo vụ việc Thúy Hiền bị mất tích đến cơ quan công an.
Sáng 27/10, lực lượng chức năng cùng hàng trăm người dân tiến hàng tìm kiếm nữ sinh Hiền tại khu vực sông Nhuệ.
Hai nghi can trong vụ án này là Nguyễn Xuân Trung (35 tuổi, trú xã Văn Phú, huyện Thường Tín) và Nguyễn Văn Quân (37 tuổi, trú xã Quất Động, huyện Thường Tín) đều đã bị bắt giữ để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.
Theo tài liệu điều tra, Trung khai nhận khoảng 18h ngày 23/10 đã rủ Quân đi trộm cắp 2 bộ cốp pha công trình trên địa bàn xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Sau đó, cả 2 mang đồ trộm cắp đi tiêu thụ.
Khi đến đường đê Sông Nhuệ thuộc địa phận xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Trung thấy nữ sinh Trần Thuý Hiền đang đứng nghe điện thoại nên đã nảy sinh ý định cướp tài sản.
Quân đứng lại trông xe máy, Trung đi bộ đến nơi Hiền đang đứng, đẩy nạn nhân rơi điện thoại, ngã xuống bờ sông Nhuệ. Mặc Hiền kêu cứu "tha cho em", Trung nhảy xuống dìm nạn nhân xuống nước. Khoảng 10 phút khi thấy Hiền không cử động, Trung đẩy em ra lòng sông.
2 đối tượng mang điện thoại và xe đạp điện của nạn nhân đi bán, điện thoại được bán với giá 500.000 đồng, xe đạp điện bán được 2,8 triệu đồng.
Cần trang bị cho học sinh kỹ năng tự vệ
Vụ việc nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại đã khiến nhiều phụ huynh cảm thấy hoang mang, lo lắng trong việc bảo vệ sự an toàn cho các con khi đi đến trường. Đặc biệt, đối với những sinh viên năm đầu tiên xa nhà. Nhiều em bước từ môi trường quê lên thành phố lớn có nhiều bỡ ngỡ, thay đổi.
TS Đinh Cảnh Nhạc, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, chuyên gia kỹ năng sống của Việt Nam chia sẻ, đọc những tin tức liên quan đến vụ án nữ sinh Học viện Ngân hàng bị sát hại ông thấy rất đau xót. Từ đây, cũng một lần nữa nhắc nhở chúng ta, cần trang bị cho trẻ nhiều hơn nữa kỹ năng sống để biết tự bảo vệ bản thân mình.
Một trong những kỹ năng đầu tiên, là không bao giờ được đi một mình nơi vắng vẻ. Có hai loại hội chứng mà ta luôn phải tránh đó là hội chứng đông người (khi thấy chỗ đông người người ta thường xúm vào xem, rất dễ xảy ra tai nạn); và thứ hai là hội chứng vắng người, những nơi vắng vẻ cũng có nhiều hiểm nguy rình rập. Kẻ thủ ác cũng thường nhằm vào những người đi một mình để tấn công.
|
Đối với việc nghe điện thoại, khi đi trên đường thì không nghe điện thoại, vừa giữ an toàn giao thông, vừa tránh bị cướp giật. Khi muốn nghe, hoặc gọi, thì dừng hẳn xe lại. Nhưng cũng cần chọn địa điểm. Nếu đó là đoạn đường vắng vẻ, hoặc vào những thời điểm ít người qua lại thì cũng không nên dừng lại.
Đặc biệt là tư thế đứng nói chuyện điện thoại, không bao giờ quay lưng ra ngoài đường. Bởi khi quay lưng ra ngoài đường, nếu khi có kẻ tấn công tới, mình sẽ không quan sát được. Thường những kẻ định tấn công, sẽ có một biểu hiện bất thường nào đó từ vẻ mặt, cử chỉ. Nếu như quay mặt ra đường, nhìn thấy những dấu hiệu đó, có thể chạy thoát thân hoặc phòng vệ, thay vì bị động sẽ rất nguy hiểm.
Khi đi nhà hàng, quán ăn cũng cần ghi nhớ một số kỹ năng: Không nên ngồi ở vị trí sâu quá, khi xảy ra chập điện, cháy nổ sẽ không kịp chạy ra. Còn ngồi ngoài sát đường quá thì có thể xảy ra các sự cố đâm xe, hoặc có thể bị “vạ lây” từ các các đám xô xát, đánh nhau. Góc ngồi làm sao đủ để quan sát bên ngoài, giả sử có tình huống bất trắc vẫn có thể làm chủ, mình có thể né tránh tháo chạy để bảo vệ mình.
Các phụ huynh cần lưu ý, không nên cho các con dùng điện thoại đắt tiền, không đeo đồ trang sức, kể cả đồ mỹ ký. Bởi những kẻ tội phạm đôi khi cũng không phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Việc dùng điện thoại hay đeo đồ trang sức dễ là miếng mồi treo trước mắt kẻ xấu. Thậm chí, có kẻ còn theo dõi nạn nhân, đến thời điểm thích hợp thì ra tay.
Mỗi người, nhất là các em nữ sinh nên được trang bị kỹ năng tự vệ. Ví dụ, các cha mẹ hãy cho con tham gia các khóa học về kỹ năng tự vệ, biết sử dụng các thế võ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, điều này là rất cần thiết, bởi có lúc sẽ cứu mạng các em.