Cần công khai danh tính người dùng bằng giả
Theo kết luận của cơ quan chức năng, dù “không học, không thi” nhưng đã có 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng và đã có 60 trường hợp sử dụng bằng giả này. Trong số đó có 55 người sử dụng để nộp hồ sơ xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi công chức, 2 trường hợp khai vào hồ sơ cán bộ, 1 trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thạc sĩ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). |
Thông tin đó, khiến đã nảy ra tranh luận có nên công khai danh tính người dùng bằng giả của Đại học Đông Đô hay không. Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, theo ông được biết, những người dùng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô là những người “có uy tín”. Cụ thể, có người thì mua bằng thì để tiến thân, người thì mua bằng để làm tiến sĩ, thạc sĩ… trước hết, đây là một điều nhức nhối của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, thực tế, không phải chỉ có bây giờ, mà trước đây, việc dùng bằng giả, bằng rởm đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cơ quan và cũng đã bị phát hiện và xử lý cương quyết, nghiêm minh. Ví dụ như thi hành kỷ luật, thu hồi, hủy bỏ giá trị của bằng cấp đối với một số cán bộ công chức, viên chức. Thậm chí là cho nghỉ việc.
Đối với vụ việc của Trường Đại học Đông Đô hiện nay đã phát hiện số lượng người dùng bằng giả, thì việc công khai danh tính là cần thiết, không quan trọng người đó là ai, đang giữ chức vụ, ở vị trí như thế nào. Đi kèm với đó là phải thu hồi lại những bằng cấp, học hàm học vị liên quan đến bằng giả này.
Bời vì, như vậy mới đảm bảo niềm tin của người dân vào một sự liêm chính, công minh, và đảm bảo việc học hành là thực chất chứ không phải học giả để mà tiến thân, tiến chức. Đây là một vi phạm hết sức nghiêm trọng, cần phải xử lý và công khai cho người dân biết.
Theo đại biểu Hòa, những người này nếu như không học, không thi mà lại được cấp bằng thì không thể gọi họ là “nạn nhân” được. Mà đây là sự thỏa thuận, đồng ý, đồng tình với việc làm của trường để nhận được tấm bằng đó. Còn trong trường hợp là nạn nhân, thì phải có điều tra, tách bạch ra, không thể đánh đồng.
Việc này cũng đặt ra vấn đề đối với việc thi ngoại ngữ, tin học. Bộ Nội vụ cũng đã có những thay đổi để áp dụng sắp tới đây trong việc thi tuyển. Theo đó, với những đối tượng nào sử dụng thường xuyên thì mới cần tới chứng chỉ lĩnh vực đó. Còn đối với những đối tượng không sử dụng thường xuyên không nhất thiết bắt buộc.
Và cần tổ chức thi sát hạch, thì sẽ biết được khả năng thực chất như thế nào, chứ không phải chỉ phụ thuộc vào giấy chứng nhận hay bằng cấp. Ví dụ, với bậc tiến sĩ, không cần biết phải có chứng chỉ gì, nhưng phải nói và sử dụng được ngoại ngữ. Và việc sử dụng đó, phải được giáo viên, hội đồng chấm công nhận.
Nếu chỉ dựa vào giấy tờ hay qua bằng cấp thì đương nhiên sẽ dẫn tới việc mua bằng, mua chứng chỉ để hợp thức hóa. Có người mua mới đương nhiên sẽ có người bán và có người bán mới có người mua.
“Thực tế như tôi biết, có những người không biết ngoại ngữ nhưng vẫn là tiến sĩ, phó giáo sư, điều đó rất lạ lùng. Cho nên, theo tôi, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cần phải thay đổi cách tuyển dụng”, ông Hòa chia sẻ.
Công khai nhưng cần thận trọng
Cùng chung quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Phạm Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) cho biết bà ủng hộ việc công khai danh tính những người dùng bằng giả của Trường Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng cân nhắc tùy thời điểm và phạm vi công khai.
Đại biểu Phạm Minh Hiền (Đoàn Phú Yên). |
Bởi vì, khi đã có kết luận của cơ quan điểu tra, thì những đơn vị, tổ chức có những người dùng bằng giả chắc chắn sẽ có những hình thức kỷ luật thích đáng, theo đúng quy định pháp luật.
Hiện nay, việc tiếp nhận thông tin của người dân ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó, không ít những cách tiếp nhận theo chiều hướng tiêu cực. Những người làm sai cần phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, không có nghĩa là ngay lập tức phải công khai toàn dân mà trước mắt nên trong phạm vi cơ quan, tổ chức. Nên cân nhắc, bởi những tác động có thể rất nặng nề.
Từ vụ việc này, theo đại biểu Minh Hiền, cũng cần xem xét cái gốc của vấn đề: Vì sao người ta lại lựa chọn lấy văn bằng 2, mà không phải các chứng chỉ, ví dụ như B1, B2? Có phải vì nó có nhiều "lợi thế", dễ dàng hơn việc thi chứng chỉ, theo đúng kiểu "cả đôi bên cùng có lợi" - trường cũng muốn có người học, còn người học thì có nhu cầu? Cho nên, về lâu dài, để việc học là thực chất thì việc tuyển dụng cũng cần thực chất, không chỉ căn cứ vào những bằng cấp, mà ở khả năng thực tế như thế nào.
Theo GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, việc cấp bằng giả của Trường Đại học Đông Đô cũng đặt vấn đề về việc học môn tiếng Anh hiện nay. Đây là một vấn đề lớn của quốc gia và chúng ta phải có chiến lược lớn về việc này. Hiện nay, các nước trong khu vực đã làm việc này lâu rồi. Bởi đó là một ngoại ngữ, một sinh ngữ mang tính phổ biến. Ví dụ, Singapore, mặc dù đất nước có 3 dân tộc, và dân tộc Hoa là đông nhất, nhưng họ không lấy tiếng Hoa làm tiếng Quốc ngữ, mà lấy tiếng Anh. Và đó là cơ sở quan trọng để cho Singapore phát triển mạnh như vậy.