Đã ra tòa thì không công khai sao được?
Việc có nên công khai danh tính những người tham gia gian lận thi cử, đặc biệt là đối với các thí sinh đã tạo nên những luồng quan điểm tranh luận trái chiều trong dư luận.
Trao đổi với KH&ĐS về vấn đề này, Đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Theo tôi là phải công khai danh tính các thí sinh gian lận điểm thi. Tôi nghĩ cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, khi chưa kết thúc, họ có thể có quyền chưa công bố. Nhưng khi đã là khởi tố rồi, Viện Kiểm sát truy tố, đã ra tòa thì phải công khai”.
“Bởi ra tòa, đó chính là “nhân chứng, vật chứng”. Giả sử, nói rằng, anh nâng điểm cho Nguyễn Thị A, Trần Văn B. mà lại không nêu tên A. và B. đó là người nào thì làm sao mà truy tố, mà xét xử hay tuyên án?”.
Trả lời câu hỏi về việc, liệu việc công khai danh tính thí sinh có làm ảnh hưởng, tổn thương tâm lý của thí sinh, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ông không nghĩ việc công khai danh tính sẽ khiến thí sinh bị sốc hay mặc cảm. Đã là sai phạm thì không có gì phải giấu giếm.
Khi đã sai phạm thì cần phải công khai để phải cảm thấy xấu hổ trong cái sai phạm đó. Để mà coi đây là bài học để đời, để sau này không bao giờ sai phạm nữa.
Thứ hai đó cũng là một hình thức nêu gương, cảnh tỉnh, cảnh báo cho những người có ý định muốn làm như vậy nhận thức được mà biết sợ”.
Đối với việc thí sinh “vô can” hay phải chịu trách nhiệm trong việc điểm thi gian lận, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, cần phải đợi cơ quan điều tra làm rõ, khi chưa có kết quả của cơ quan điều tra thì cũng chưa kết luận được các em có sai phạm hay không.
Tuy nhiên, theo ông, nghi ngờ của dư luận là có cơ sở. “Bởi mình làm bài như thế nào mình phải biết chứ. Không thể nào làm bài không được, thậm chí chấm lại điểm thực gần như 0 ba môn, tức là không làm gì hoặc ghi tầm bậy tầm bạ mà khi nhận điểm lại là 27, 28, vô lý quá.
Đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ, trước thông tin về việc một số trường ĐH công bố điểm rồi đuổi học sinh viên, ông cảm thấy buồn và bức xúc vô cùng.
Giả sử, nếu những trường hợp này không được phát hiện, thì khi ra trường, cầm tấm bằng đại học, nhất là khi các em rồi sẽ có chức vụ, thì không biết cái sự gian lận ấy còn phát triển, lũng đoạn như thế nào. Vận mệnh quốc gia gửi vào tay các em đó sẽ nguy hiểm, thậm chí là mất nước chứ không phải chuyện chơi.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận lớn lắm rồi nên phải xử lý. Phải sẵn sàng vứt bỏ nó đi để vết nhơ không còn tái diễn, để lành mạnh hóa ngành giáo dục.
Chứ giờ, nào bạo hành trẻ em, thầy cô giáo thì quan hệ bất chính với học trò, trò với trò manh động, đạo đức ngành giáo dục mỗi ngày một xuống cấp… Khi phát hiện rồi lại bao che thì hậu quả sẽ là rất lớn.
Cơ quan điều tra công bố lệnh khởi tố với các bị can liên quan tới vụ gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Sơn La. |
Có dấu hiệu phạm tội, có thể công khai danh tính
Đứng từ góc độ luật pháp, trao đổi với KH&ĐS về việc công khai danh tính thí sinh gian lận có phạm luật hay không, luật sư Trần Hữu Năng, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Năng cho biết, trong Bộ luật Hình sự có quy định một người chỉ được coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa án.
Tuy nhiên, khi điểm của anh không có thực, tức là anh đã có dấu hiệu phạm tội rồi. Khi ra xét xử, xác định việc nâng điểm này là do đâu, do bố mẹ “chạy chọt”, do thầy tự ý nâng… thì sẽ có kết luận sau.
Còn hiện tại, anh là người thụ hưởng kết quả nâng điểm đó, thì đã có dấu hiệu phạm tội. Và việc công khai, công bố danh tính là để phục vụ cho quá trình điều tra, xác minh.
Điều này cũng không hề trái đối với quy định về quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình trong Bộ luật Hình sự.
Bởi quy định đó, là để nói tới những người không có lỗi, không có dấu hiệu phạm tội trong đời sống. Còn khi anh đã có dấu hiệu phạm tội, thì việc công khai danh tính không vi phạm vào quy định này.
Điều đó cũng giống như việc, bắt tạm giam, còng tay, công khai danh tính một người có dấu hiệu phạm tội… khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án vậy.
Đối với việc liệu các thí sinh gian lận điểm thi, nếu không gian lận điểm thi ở tổ hợp điểm xét tuyển vào trường đại học, và sau khi chấm lại, điểm thực của thí sinh vẫn đủ điểm mức thí sinh theo học, thì liệu thí sinh có được tiếp tục theo học hay không, luật sư Trần Hữu Năng cho biết, nếu cơ quan điều tra xác định thí sinh có liên quan tới việc gian lận thi cử thì kết quả điểm thi đó sẽ cần được hủy, và thí sinh không tiếp tục được theo học ở trường đại học trúng tuyển trước đó nữa.
“Ví dụ tôi bắt một người quay cóp trong phòng thi. Có thể quay cóp chỉ để nâng từ 9 lên 10 điểm thôi, nhưng khi anh quay cóp thì đã là vi phạm quy chế thi thì bài thi phải bị hủy, tôi không tuyển anh nữa. Ở đây là việc đã có sự gian lận, hoặc vi phạm pháp luật, chứ không phải là việc đủ điểm hay không đủ điểm sau khi chấm lại”, luật sư Trần Hữu Năng nói.
Việc cơ quan chức năng cho điều tra rồi khởi tố vụ án của Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang theo tôi là điều tất yếu. Bởi vì vụ việc này gây bức xúc quá lớn đối với xã hội. Nhất là với những thí sinh, chỉ vì sự gian lận của những em khác mà mất đi cơ hội vào các trường đại học mình mơ ước, trong khi sức học lại hơn thì là sự mất công bằng, bình đẳng. Tôi cho rằng, cần xử lý hình sự đối với những đối tượng liên quan tới gian lận điểm thi”, đại biểu Phạm Văn Hòa.