Việt Nam nằm trong số các nước mắc bệnh cao nhất thế giới, đặc biệt ngày càng gia tăng và xuất hiện cả ở người trẻ. Trước đây, bệnh thường gặp ở người 50 - 60 tuổi, hiện gặp ở cả lứa tuổi 20 - 30. Điều đáng nói là hầu hết bệnh nhân đi khám trong tình trạng muộn, rất ít người còn cơ hội nhập viện cứu chữa (chưa đến 1/3), hầu hết được trả về hoặc chỉ còn điều trị triệu chứng giúp giảm đau.
Diệt trực tiếp khối u bảo vệ cơ thể khỏi độc hại của hóa chất
Người đầu tiên được thực hiện kỹ thuật mới này là bệnh nhân Phạm Hồng P., 64 tuổi. Bệnh nhân phát hiện u gan khi đi mổ thắt thừng tinh tháng 4/2019 và được chẩn đoán u máu gan. 1 năm sau khối u tăng kích thước, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư tế bào gan và được chỉ định nút mạch hóa chất (TACE) 2 lần.
Gần đây, u phát triển lan tỏa và xâm lấn tĩnh mạch cửa. Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện E T.Ư và được chỉ định hóa trị liệu truyền động mạch gan (HAIC). Sau 2,5 giờ can thiệp, ca truyền hóa chất vào động mạch gan đã thành công. Sau can thiệp bệnh nhân ổn định.
ThS.BS Nguyễn Minh Châu, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện E T.Ư cho biết, đặt cổng truyền hóa chất động mạch gan là một kỹ thuật mới còn ít được ứng dụng trong thực hành lâm sàng tại Việt Nam.
Để thực hiện truyền hóa chất vào động mạch gan, bệnh nhân phải được đặt cổng truyền hóa chất. Cổng truyền hóa chất được cấy dưới da tại vị trí bẹn và dây dẫn chọn lọc vào động mạch gan. Hóa chất sẽ được truyền trực tiếp vào trong khối u, tiêu diệt khối u trong khi không làm gia tăng độc tính toàn thân. Liệu pháp này có hiệu quả cao về mặt kiểm soát tại chỗ và đã được sử dụng như một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển xâm lấn mạch máu lớn.
Tăng thời gian sống cho người bệnh
ThS.BS Trịnh Thế Cường, Khoa Hóa trị, Bệnh viện E T.Ư cho biết, ung thư gan (ung thư biểu mô tế bào gan) là loại ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất ở Việt Nam (mỗi năm Việt Nam có khoảng 12.000 ca mắc mới), có tiên lượng xấu.
Cho đến nay, phẫu thuật cắt gan và ghép gan vẫn được coi là phương pháp điều trị tốt nhất. Tuy vậy, phần lớn bệnh nhân ung thư tế bào gan thường được phát hiện muộn khi đã xơ gan, u đa ổ, tổng trạng kém, chức năng gan suy giảm...
Đặc biệt, ung thư tế bào gan thường kém nhạy cảm với hóa chất, xạ trị. Do vậy, tiên lượng sống thêm của bệnh này rất thấp, chỉ kéo dài được 3 - 6 tháng.
ThS.BS Trịnh Thế Cường cho biết thêm, gần đây, đa số các bệnh nhân ung thư gan có nhiều khối u hoặc khối u lớn không thể phẫu thuật được nhưng chưa di căn ngoài gan, có chức năng gan bảo tồn được chỉ định nút mạch hóa chất (TACE). So với chăm sóc giảm nhẹ, TACE giúp bệnh nhân sống thêm khoảng 16 - 20 tháng.
Tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật truyền hóa chất động mạch gan đã chứng minh mang lại kết quả tốt hơn TACE và ít độc tính hơn cho những bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào gan có khối u lớn, không thể cắt bỏ.
Các chuyên gia cho biết, thành công của ca bệnh đầu tiên này sẽ mang lại cho bệnh nhân ung thư gan thêm một phương pháp điều trị hiệu quả, kéo dài sự sống.
Phòng chống ung thư gan là tiêm phòng văcxin viêm gan B; Bỏ rượu và các nguyên nhân xơ gan; Bảo quản gạo, ngũ cốc chống nấm mốc, không ăn gạo, ngũ cốc bị ẩm mốc; Khi có các triệu chứng mệt, ăn kém, cảm giác nặng tức, đau hạ sườn phải, vàng da cần đi khám bệnh ngay.