Theo tạp chí hàng không Trung Quốc, ngày 4/2, nhóm nghiên cứu cho biết tốc độ học tập cao hơn giúp UAV xác định "các thao tác thủ đoạn" của phi công con người, giảm khối lượng tính toán của chip máy tính, chiếm ưu thế vượt trội trong các trận không chiến quy mô lớn và phức tạp.
Nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học Trung Quốc ở Mianyang, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết: “Thuật toán có thể được mở rộng cho một cuộc không chiến với nhiều tác nhân thông minh AI, gần với tình huống thực tế hơn trên chiến trường”.
Nhóm nghiên cứu đã đưa hệ thống này vào thử nghiệm, mô phỏng trận chiến giữa UAV và tiêm kích hiện đại.
Trong một cuộc thử nghiệm không chiến tương tự ở Mỹ năm 2020, các hệ thống AI học sâu đọ sức với các phi công máy bay F-16. Công nghệ AI do công ty sản xuất UAV Heron Systems có trụ sở tại Maryland phát triển, được tuyên bố dành chiến thắng.
Hệ thống UAV Heron đánh bại các phi công trong cả năm trận không chiến, và công ty đã mất hơn 4 tỷ vòng "huấn luyện" để đạt được kết quả này.
Các nhà nghiên cứu Tứ Xuyên cho biết, hệ thống của Trung Quốc chỉ cần 800.000 lần huấn luyện mô phỏng để giành chiến thắng trong tất cả các cuộc không chiến.
Trong các cuộc chiến mô phỏng máy tính trước đây, một số phi công có kinh nghiệm đã sử dụng phương pháp lặn sâu như một kỹ năng chiến thuật cuối cùng để khiến UAV hoặc mất mục tiêu hoặc rơi xuống đất.
Nhưng hệ thống AI mới đã phát hiện trước cái bẫy, kéo lên vào giây cuối cùng khi bám đuôi đối thủ - theo tác giả chính của công trình nghiên cứu Huang Jiangtao và các đồng nghiệp.
Kỹ sư Huang cho biết, phương pháp tiếp cận Máy học truyền thống không hiệu quả.
Vì các hệ thống chỉ lặp lại những vòng đào tạo “mù quáng”, với mỗi phiên học mới dựa trên dữ liệu ngẫu nhiên được tạo ra từ các bài tập trước đó.
Chính vì vậy, máy tính phải mất một thời gian rất dài vượt qua các dữ liệu vô ích để tạo ra bước nhảy vọt về hiệu suất ra quyết định.
Hệ thống AI mới có tính chọn lọc, chỉ chọn những dữ liệu tốt nhất cho vòng đào tạo tiếp theo.
Mô hình học sâu AI mà Trung Quốc sử dụng tương tự như mô hình Heron và phương Tây sử dụng. Nhưng thuật toán chọn lọc tạo ra sự khác biệt lớn trong phác đồ học tập của AI.
Sau chưa đầy 80.000 vòng huấn luyện, UAV có thể bay ổn định như một phi công chuyên nghiệp.
Trong một trận đánh mô phỏng sử dụng máy bay chiến đấu J-10, một phi công đã giành được lợi thế trong 30 giây đầu tiên.
Sau đó cuộc rượt đuổi đột ngột đảo ngược và trong hơn 12 phút sau phi công không thể thoát khỏi cuộc truy đuổi của UAV hỗ trợ AI.
UAV được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong lĩnh vực phòng thủ.
Các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng các hệ thống phòng thủ hiện nay rất dễ bị tấn công và chọc thủng bởi các UAV rẻ tiền của Mỹ. Do sử dụng công nghệ tàng hình thế hệ tiếp theo, có thể làm tê liệt hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến nhất thể hóa của quân đội Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu không quân, Thiếu tướng Fei Aiguo PLA bắt đầu phân cấp một số lực lượng chiến đấu, đảm bảo linh hoạt đánh trả các cuộc tấn công của Mỹ trong tương lai, sử dụng các UAV tương tự hỗ trợ AI.
Nhưng hệ thống AI cần tăng cường khả năng nhận thức tình huống, học hỏi nhanh từ môi trường chiến đấu thay đổi nhanh chóng - nhóm nghiên cứu của Fei trong một bài báo trên tạp chí Command Information System and Technology tháng 10 nhấn mạnh.
Hầu hết các UAV quân sự được thiết kế để giám sát, cảnh báo sớm, liên lạc hoặc tấn công các mục tiêu mặt đất.
Những hệ thống này không được phát triển để xử lý các hoạt động phức tạp, nhịp độ biến đổi nhanh như không chiến, do phải thực hiện một số lượng lớn tính toán tốc độ cao.
Hầu hết các chip máy tính quân sự đều được chế tạo với công nghệ tốc độ chậm hơn, hoạt động ổn định trong các điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ cực cao, áp suất và nhiễu điện từ.
Trọng tâm chính của chương trình AI quân sự Trung Quốc là phát triển các thuật toán mới có thể mang lại hiệu suất tính toán cao từ một máy tính chạy chậm.
Những thành tựu đột phá gần đây theo hướng này cho phép quân đội Trung Quốc áp dụng công nghệ Máy học AI trên một số vũ khí tiên tiến nhất mà trước đây được cho là quá thách thức như các phương tiện mang siêu thanh.
Trong tình huống thực chiến, AI sẽ điều khiển một tên lửa bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh, đánh trúng mục tiêu với độ chính xác chưa từng có. Hoặc các UAV phản lực siêu âm có thể tấn công mục tiêu trong điều kiện hỏa lực phòng không rất mạnh và nhiễu điện từ cao.