Trời nắng ráo mà đi hộ đê thì khôi hài quá!

(khoahocdoisong.vn) - GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, tình trạng lợi dụng phù hiệu xe hộ đê để làm các việc cá nhân đã có từ lâu lắm rồi, nhưng không ai dám nói. 

Xe hộ đê chỉ dành cho ít người

Mới đây, Công ty quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (thuộc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam - VIDIFI) cho biết, thời gian gần đây, số lượng xe ô tô được cấp phù hiệu “xe hộ đê” đi qua trạm thu phí BOT bỗng tăng đột biến. Bất kể mùa mưa hay mùa khô, mỗi ngày đều có từ vài chục lượt xe hộ đê băng băng qua trạm. Theo ông điều này có bình thường?

Theo quy định, những chiếc xe gắn phù hiệu này được ưu tiên, không mất phí. Thậm chí, xe không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Tuy nhiên, xe hộ đê chỉ được ưu tiên khi đang làm nhiệm vụ. Việc xe hộ đê đi lại liên tục như thế rõ ràng là bất thường, bởi không phải lúc nào cũng có những bất thường về đê, trừ khi có mưa lũ, sạt lở.

Xe hộ đê dùng để làm gì thưa ông?

Trước đây tôi cũng thường xuyên ngồi trên những chiếc xe hộ đê này. Phù hiệu xe hộ đê chỉ dành cho một số ít người. Mục đích của nó là xử lý những tình huống khẩn cấp về đê điều. Xe hộ đê dùng để chở chuyên gia, nhà quản lý, hoặc vật liệu ứng cứu các sự cố về đê.

Ví dụ có một đoạn đê bị sạt trượt, cần cử ngay chuyên gia tới xử lý thì xe hộ đê làm việc này. Xe hộ đê là loại xe được ưu tiên gần như đầu bảng, nên xảy ra tình trạng lạm dụng phù hiệu.

Cơ quan nào có thẩm quyền cấp phù hiệu này thưa ông?

Cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu xe hộ đê là Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành. Thông thường, mỗi địa phương có đê chỉ được cấp vài phù hiệu. Chủ tịch UBND các tỉnh các đầu mối được phân cấp phù hiệu này. Nó dành cho một đối tượng rất hẹp, chứ không có chuyện sử dụng bừa bãi được.

Thời gian qua, việc xe hộ đê đi lại nhiều như vậy trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có thể hiện là đê điều ở địa phương này có nhiều vấn đề phải giải quyết?

Đê điều chỉ có vấn đề khi có mưa lũ, sạt lở. Không có chuyện cứ liên tục ngày nắng hay ngày mưa phải đi hộ đê. Tôi cho rằng phải xem lại việc sử dụng phù hiệu này xem đã đúng mục đích hay chưa, có tiêu cực, thất thoát, lợi dụng phù hiệu để làm lợi cho cá nhân hay không.

Nếu sử dụng phù hiệu không đúng sẽ dẫn đến hệ quả gì thưa ông?

Xe hộ đê được ưu tiên rất nhiều. Ngoài việc không phải trả phí cầu phà bến bãi, xe còn được đi vào đường cấm, đường một chiều và không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Các phương tiện khác phải nhường đường ưu tiên cho xe hộ đê nếu xảy ra ùn tắc, hay phải chờ cầu, phà, thì xe hộ đê luôn được ưu tiên đi trước. Những đặc quyền ấy, nếu sử dụng không đúng thì rất dễ gây ra những hậu quả cho mục đích xấu khó kiểm soát.

Cứ hỏi hộ đê ở đâu là “lòi đuôi”

Làm thế nào để xác định một xe hộ đê có đang đi làm nhiệm vụ không, hay chỉ lợi dụng phù hiệu?

Đều này rất đơn giản, chỉ cần hỏi người đi hộ đê làm nhiệm vụ ở đoạn đê nào. Gọi điện về địa phương ấy là biết ngay có đúng xe đi hộ đê không, hay chỉ lợi dụng để làm việc khác. Hoặc căn cứ vào tình hình thời tiết. Nếu thời tiết bình thường, nắng đẹp, mà xe hộ đê vẫn đi làm nhiệm vụ là một sự không bình thường. Làm gì có chuyện xe hộ đê cứ liên tục đi lại, trong khi xe chỉ dành để xử lý những sự cố đê điều khẩn cấp.

Có phải tình trạng đê điều ở một số nơi đã xuống cấp, liên tục có sự cố?

Làm gì có chuyện ấy. Có phải lúc nào đê cũng có vấn đề đâu mà xử lý. Điều này chủ tịch UBND các tỉnh là nắm rõ nhất. Có tình trạng xe hộ đê đi cả ở những địa phương không có đê thì lại càng vô lý hơn nữa. Bản thân các đơn vị quản lý đường bộ nên nắm được danh sách các xe được cấp biển hộ đê, và có thể kiểm tra tính xác thực của việc đi hộ đê qua một số kênh như tôi nói.

Nghĩa là nếu trời nắng đẹp mà có xe hộ đê đi qua là bất thường?

Trời nắng chang chang mà vẫn có xe đi hộ đê là bất thường. Chỉ những tình huống hi hữu lắm mới có chuyện phải khẩn cấp như vậy. Nếu gặp những tình huống đó, hỏi họ đi làm nhiệm vụ ở đoạn đê nào là họ tịt ngay, “lòi đuôi” ngay thôi.

Đừng làm xã hội đảo lộn

Việc lợi dụng phù hiệu xe hộ đê, hay thậm chí là xe ưu tiên, xe báo chí, xe thi cử, xe đón dâu rể… không phải là mới, theo ông nó dẫn đến hệ quả xã hội gì?

Nó làm xã hội đảo lộn, làm cho người ta không còn niềm tin ở những điều thật, nghi ngờ những giá trị thật, nhiều khi lại tin tưởng vào những điều giả dối. Cứ dán cái biển xe hộ đê là có thể ngang nhiên đi lại không mất phí cầu đường, được ưu tiên mọi nơi.

Nếu không phải là đi làm nhiệm vụ, mà lợi dụng nó để làm những việc trái pháp luật, thì lại càng nguy hiểm. Đã đến lúc phải rà soát lại việc cấp và sử dụng phù hiệu sao cho đúng đối tượng, có hiệu quả.

Thực tế thì những chiếc xe hộ đê thực sự đi làm việc, có hiệu quả không ạ?

Hiệu quả chứ. Nó có thể ứng phó ngay lập tức với những sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mưa lũ. Việc cần kíp phải có chuyên gia, người chỉ đạo tại hiện trường, hay vật tư để gia cố đê kè ngay khi có dấu hiệu sụt lở… là rất cần thiết.

Có điều đây là những sự cố, không phải là hiện tượng thường ngày, nên không thể nói xe hộ đê đi lại làm việc hàng ngày hay liên tục, nhiều như thống kê được.

Kể cả đúng là xe được cấp phù hiệu hộ đê, sử dụng nó đúng mục đích hay không là do con người, ông có nghĩ thế?

Phù hiệu chỉ sử dụng trong trường hợp ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là người được cấp có ý thức sử dụng phù hiệu đúng quy định.

Biển quy định chỉ khi thi hành công vụ, còn những nguời được cấp có sử dụng đúng mục đích không thì chủ phương tiện ấy, cơ quan ấy mới nắm được. Vấn đề ở đây là con người. Phải quản lý được con người, có những hình thức xử lý nghiêm khắc mới giải quyết được tình trạng lạm dụng phù hiệu cho mục đích khác.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi trên một số báo, ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị mới cấp phù hiệu xe hộ đê cho hơn 500 xe, giảm nhiều so với năm 2017. Ông Quang cũng cho biết, sắp tới đơn vị sẽ quán triệt các địa phương, kiểm soát kỹ lưỡng việc cấp biển cũng như chấn chỉnh xe cấp phù hiệu. Đồng thời, có phương án phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cũng để xử lý các trường hợp sử dụng phù hiệu giả. Nhằm tránh trường hợp xe được cấp phù hiệu nhưng không sử dụng đúng mục đích, ông Quang cho biết sẽ rà soát văn bản, xử lý những trường hợp xe hộ đê đi vào những tỉnh không có đê hoặc không đi vào mùa mưa lũ.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top