Trời lạnh: Ho, khó thở đừng chủ quan bỏ sót bệnh hen không triệu chứng

Nhiều cha mẹ thường bỏ qua các triệu chứng ho, khó thở của trẻ, coi đó là ho thông thường. Trong khi đó có thể là biểu hiện của bệnh hen dạng ho dễ diễn biến nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

BSCKII Thân Thị Uyên, Phó Trưởng khoa Nội nhi hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết, khi thời tiết giao mùa trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh hen phế quản (hen suyễn – gọi tắt là bệnh hen).

Để chẩn đoán chính xác bệnh hen, cần dựa vào các triệu chứng lâm sàng, nhất là khi trẻ đang ho, đau hoặc cảm thấy nặng ngực, thở khò khè, khó thở (thở nhanh, thở co kéo lồng ngực, co kéo cơ vùng cổ, cánh mũi phập phồng…). Tuy nhiên, không phải lúc nào việc chẩn đoán cũng dễ dàng.

Cần nghi ngờ trẻ mắc bệnh hen khi trẻ bị ho tái đi tái lại nhiều lần (đặc biệt là ho về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện hoặc nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát (khi thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức hay khi ăn một thức ăn nào đó,…).

Nếu như khò khè, khó thở là những dấu hiệu khá điển hình thì triệu chứng ho tái đi tái lại là triệu chứng khá đặc biệt, nhưng thường bị bỏ sót vì mọi người nghĩ trẻ chỉ bị ho thông thường.

Ở trẻ dưới 2 tuổi, cần nghĩ đến hen khi trẻ bị khò khè tái phát liên tục 3 lần, ngay cả khi trong gia đình không có ai bị hen, dị ứng.

Nhiều khi trẻ mắc bệnh hen chỉ biểu hiện bằng những cơn ho về đêm (ho nhiều đến mức khiến trẻ không thể ngủ được) mà không hề có triệu chứng nào khác và ban ngày sức khoẻ trẻ lại hoàn toàn bình thường. Một số nhà chuyên môn thường gọi đây là “hen dạng ho” một thể khá đặc biệt của bệnh và thường bị bỏ sót.

do-ho-hap.jpg
Đo chức năng hô hấp để chẩn đoán hen.

Để chẩn đoán hen khi trẻ không có cơn hen hay khi trẻ có triệu chứng không điển hình của bệnh phải dựa vào phương pháp đo chức năng hô hấp.

Đây là một nghiệm pháp không nguy hiểm, không can thiệp xâm lấn và có thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh hen khi nghi ngờ hen, khi bệnh nhân không lên cơn hen hoặc khi có biểu hiện không điển hình mà một số bác sĩ gọi là “hen giấu mặt”.

Những triệu chứng hen có thể ảnh hưởng đến công việc hay học tập của trẻ và có thể làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí gây tử vong nhất là khi có các triệu chứng cấp tính.

Bệnh hen được kiểm soát sẽ giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ bị lên cơn hen cấp phải nhập viện cấp cứu, không những giúp các gia đình có con em bị bệnh hen tiết kiệm chi phí (vì điều trị đợt cấp của hen tốn rất nhiều tiền so với điều trị phòng ngừa để kiểm soát bệnh) mà còn tránh được nguy cơ tử vong do cơn hen cấp nguy hiểm gây ra.

Theo Đời sống
back to top