Trị đau đầu theo cách độc đáo của Đông y

(khoahocdoisong.vn) - Theo Đông y, đau đầu, tùy theo vị trí của nơi đau, có thể xác định sự liên quan giữa đau và tạng phủ kinh lạc, để lựa chọn bài thuốc phù hợp.

Ðau đầu là cảm giác đau ở một trong ba khu vực khác nhau: đau ở ngay phía trên hai mắt, hai tai; đau ở phía sau gáy; đau ở vùng trên của cổ.

Các loại đau đầu thường gặp

Ðau đầu do căng thẳng: là loại thường gặp nhất, khoảng 90% người trưởng thành bị nhức đầu kiểu này, nhất là ở phụ nữ. Đau thường khởi phát từ gáy, vùng trên cổ, đau thắt hoặc tức, cảm giác như đầu bị quấn băng chặt, nhất là vùng chân mày hai bên mắt. Cường độ đau thường nhẹ (không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động) và đau cả hai bên đầu.

Đau đầu loại này thường kéo dài, ít khi kèm theo các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, các rối loạn về thị giác hay khứu giác (nhìn hay ngửi). Hầu như các cơn đau xảy ra rời rạc, nhưng cũng có thể thường xuyên, đa số các bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường.

Cơn đau nửa đầu Migraine: thường gặp thứ hai sau đau đầu do căng thẳng, ở cả người lớn và trẻ em. Trước tuổi dậy thì, tỷ lệ nam và nữ bị chứng đau đầu này như nhau, nhưng qua giai đoạn này thì nữ thường bị nhiều hơn (ở nam là 6%, nữ 18%). Chứng đau nửa đầu này thường không được chẩn đoán, hay chẩn đoán nhầm với đau đầu do căng thẳng, đau đầu do viêm xoang, cho nên khá nhiều người bị đau đầu kiểu này không được điều trị thích đáng.

Triệu chứng là những cơn đau đầu kinh niên tái đi tái lại, đau dữ dội, có tính chất đập theo nhịp mạch (mạch máu) xuất hiện thành từng cơn, chỉ ở một bên thái dương (cũng có khi đau ở vùng trán, quanh mắt, vùng gáy), nhưng có những lúc đau xuất hiện cả hai bên đầu (khoảng 1/3 thời gian đau). Một cơn đau điển hình kéo dài khoảng 4 giờ đến 3 ngày.

Có khi đau bên phải, cũng có khi bên trái (đối với những chứng đau đầu mà chỉ ở một bên thì phải coi chừng do một bệnh lý nào đó gây ra, có thể nguy hiểm đến tính mạng, ví dụ như có khối u trong não). Cơn đau nửa đầu thuần túy thường tăng lên theo các vận động, như khi leo cầu thang. Ðau thường kèm theo buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, da tím, tay chân lạnh, sợ ánh sáng, sợ âm thanh.

Ðau đầu từng đợt (đau đầu histamine, đau đầu Horton): một chứng đau đầu nguyên phát ít gặp nhất, chiếm khoảng 0.1% dân số. Bệnh nhân chủ yếu là nam giới (chiếm 85%). Tuổi trung bình bị bệnh 28-30 tuổi.

Triệu chứng đau đầu từng đợt là loại đau đầu kéo dài mỗi đợt chừng vài tuần đến vài tháng, giữa mỗi đợt là khoảng thời gian trống, bệnh nhân hoàn toàn không có triệu chứng, kéo dài cũng khoảng vài tháng. Trong mỗi đợt đau như vậy, cơn đau điển hình thường xảy ra một đến hai lần mỗi ngày, hoặc có thể hơn. Mỗi cơn kéo dài chừng 30 phút đến khoảng 90 phút.

Cơn đau có xu hướng xảy ra vào cùng một thời điểm trong ngày và thường làm bệnh nhân thức giấc khi đang ngủ say vào nửa đêm. Ðau rất dữ dội, ở một bên quanh hố mắt hay thái dương. Có người cảm thấy cơn đau như bị một vật nhọn và nóng đâm vào mắt. Mũi và mắt bên đau có thể sưng đỏ, xung huyết, chảy nước. Khác với chứng đau nửa đầu, chứng đau này làm bệnh nhân rất khó chịu, bứt rứt, tối không ngủ được.

Trị đau đầu bằng Đông y

Theo Đông y, đau đầu, tùy theo vị trí của nơi đau, có thể xác định sự liên quan giữa đau và tạng phủ kinh lạc.

Đau phía sau não là “Thái dương đầu thống”, dùng khương hoạt, ma hoàng làm thuốc dẫn và châm các huyệt Hậu đính, Phong trì, Đại trử, Côn lôn.

Đau phía trước trán là “Dương minh đầu thống” dùng các vị cát căn, thăng ma làm thuốc dẫn. Châm các huyệt Thượng tinh, Ấn đường, Đầu duy, Dương bạch, Toàn trúc.

Đau hai bên đầu gọi là “Thiếu dương đầu thống” dùng sài hồ, hoàng cầm làm thuốc dẫn, châm các huyệt Thái dương, Đầu duy, Liệt khuyết, Trung chử, Hiệp khê.

Đau hai bên thái dương gọi là “Thiếu dương đầu thống” dùng sài hồ, hoàng cầm làm thuốc dẫn, châm các huyệt Thái dương, Đầu duy, Liệt khuyết, Trung chử, Hiệp khê. Bài thuốc đơn giản dùng sinh khương thái mỏng dán vào huyệt Thái dương hai bên cũng dịu cơn đau.

Đau ở đỉnh đầu, chính giữa huyệt Bá hội là do Tướng hoả vượng quá bốc lên Đốc mạch quấy rối bên trên. Không được dùng thuốc vị cay tán, nên cho uống Tam tài thang (thiên môn đông, thục địa, nâm) thêm mẫu lệ, quy bản. Đồng thời châm cứu các huyệt Bá hội, Tứ thần thông, Thông thiên, Côn lôn, Chí âm và Thái xung.

Lương y Hoàng Duy Tân (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top