Trẻ cô đơn dễ tìm tới trò chơi trực tuyến

(khoahocdoisong.vn) - Theo chuyên gia tâm lý, trẻ tìm tới trò chơi trực tuyến (game online) có lý do từ buồn chán, cô đơn, tự ti… Khi đã nghiện game  online, việc điều trị rất phức tạp, nên cần việc xây dựng các chiến lược phòng ngừa để trẻ không rơi vào nghiện.

Nghiện game online là rối loạn về tâm thần

Vụ việc em bé 5 tuổi chết thương tâm, theo lời khai của nam sinh lớp 9 là do bắt chước hành động trong game online. Theo cô giáo chủ nhiệm lớp của nam sinh lớp 9, nam sinh này  có biểu hiện của việc nghiện game online.

Vụ việc đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các phụ huynh trong việc kiểm soát trẻ chơi trò chơi trực tuyến, tránh để trẻ rơi vào nghiện game và khi trẻ có dấu hiện nghiện game thì sớm phát hiện và có phương án điều trị thích hợp.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS về vấn đề này, chuyên gia tâm lý lâm sàng, TS Lê Minh Công, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, nghiện trò chơi trực tuyến (game online) là một rối loạn về tâm thần cần phải được điều trị.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, nghiện trò chơi trực tuyến có thể dẫn tới tình trạng trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ hoặc các rối loạn hành vi, thậm chí là loạn thần ở thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Một số người nghiện trò chơi trực tuyến sẽ có những hành vi hay hoạt động trong cuộc sống thực tương tự như trong trò chơi, sống với nhân dạng ở trong trò chơi mà không thoát vai được khi tham gia các hoạt động thực tế.

Kể từ năm 2013, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ đã thống kê các dấu hiệu của người nghiện game online:

Người nghiện không kiểm soát được thời gian và nội dung khi truy cập internet và tham gia vào trò chơi trực tuyến. Họ luôn có suy nghĩ, bận tâm về trò chơi kể cả khi không còn truy cập internet.

Khi bị cắt giảm hoặc ngừng chơi game online đột ngột, họ sẽ có những dấu hiệu của “hội chứng cai”, các dấu hiệu về tâm thần như khó chịu, cáu gắt, lo âu, buồn chán… Có thể có một số triệu chứng thần kinh thực vật như hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, run, căng thẳng…

Gia tăng thời gian sử dụng internet và trò chơi trực tuyến với thời lượng ngày càng nhiều hơn.

Mất dần đi sự quan tâm, hứng thú đối với các hoạt động thực tế, các hoạt động giải trí hay trò chơi yêu thích trước đây mà chỉ tập trung vào chơi game online.

Mặc dù biết rằng việc nghiện trò chơi trực tuyến dẫn tới các vấn đề về sức khoẻ tâm thần và ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống, nhưng người nghiện không thể nào ngừng được và vẫn tiếp tục chơi trò chơi trực tuyến.

Người nghiện nói dối người thân, gia đình về việc chơi trò chơi trực tuyến này.

Sử dụng trò chơi trực tuyến như một cách để thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực về cuộc sống thực tế, như cô đơn, căng thẳng, tội lỗi…

Nếu một người có dấu hiệu này liên tục trong vòng 12 tháng trở lên được xem như một trường hợp nghiện trò chơi trực tuyến. Và nếu đã nghiện rồi thì việc điều trị khá phức tạp.

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nghiện trò chơi trực tuyến, mà thuốc chỉ điều trị các rối loạn tâm thần kèm theo như trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ …

Việc điều trị vẫn chủ yếu sử dụng các mô hình trị liệu tâm lý. Tuy vậy, một chiến lược toàn diện hơn là chú ý nhiều đến việc phòng ngừa.

Cha mẹ cần giúp trẻ có đời sống tinh thần khỏe mạnh

Theo TS Lê Minh Công, chiến lược phòng ngừa và can thiệp với nghiện trò chơi trực tuyến bao gồm:

Thứ nhất, cần giúp cho trẻ em có đời sống tinh thần khỏe mạnh và tích cực. Trẻ cần được cha mẹ đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu để có thể cân bằng và tích cực trong cuộc sống cá nhân. Bởi khi trẻ đau khổ, buồn chán, cô đơn… thì sẽ tìm tới trò chơi trực tuyến, internet như một cách thức "phóng chiếu" cảm xúc tiêu cực vào đó. Trên mạng, trẻ được ẩn danh nên dễ bộc lộ mình.

Thứ hai cần xây dựng cho trẻ những hoạt động thực tế tích cực trong cuộc sống. Ví dụ như tập thể dục, xem phim cùng bạn bè, trò chuyện cùng gia đình… Bởi một trong những nguyên nhân khiến trẻ tham gia trò chơi trực tuyến là như một cách thức để thay thế các hoạt động nhàm chán trong cuộc sống thực. 

Thứ ba, nhà trường và cha mẹ cần xây dựng cho trẻ những kỹ năng cảm xúc xã hội tốt. Bởi nghiên cứu cho thấy, khi đứa trẻ không bộc lộ được cái tôi của mình trong xã hội, do bị bắt nạt, bạo hành… khiến không kết nối được với bạn bè một cách tích cực thì trẻ sẽ tự ti và tìm tới trò chơi trực tuyến để đạt tới một lever (cấp) cao. Đó là những thứ mà ngoài đời thực trẻ không có được, ví dụ như là thủ lĩnh của trò chơi… Nếu đứa trẻ có kỹ năng và năng lực cảm xúc xã hội tốt thì sẽ cân bằng hơn với những vấn đề cuộc sống và không sa đà vào trò chơi trực tuyến.

Ngoài ra, phụ huynh nên giúp cho trẻ cân bằng việc học tập thay vì quá kỳ vọng mà đánh giá tiêu cực  khi trẻ không đạt được kỳ vọng và mục tiêu lớn do mình đặt ra. Khi bị đánh giá tiêu cực, trẻ sẽ tự đánh giá bản thân thấp. Trẻ sẽ tìm tới internet, và những cảm xúc "thăng hoa" do đạt được những thành tích cao ở trò chơi sẽ gây nghiện.

Còn nếu như con có những biểu hiện của việc sử dụng internet ở mức gia tăng thì nên tìm tới một nhà tâm lý để đánh giá chính xác vấn đề nghiện của con và có chiến lược can thiệp một cách hiệu quả.

Ví dụ như nghiện mà có kèm theo rối loạn tâm thần kèm thì phải phối hợp với bác sĩ tâm thần điều trị hóa dược. Và thậm chí chỉ định nhập viện, điều trị nội trú đối với rối loạn tâm thần. Chứ không phải điểu trị nghiện game.

Còn nếu vừa và nhẹ hơn thì vẫn có thể dùng thuốc cho một số trường hợp và thường là phối hợp với trị liệu tâm lý, trong đó vai trò của gia đình rất quan trọng.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương chia sẻ, tại Bệnh viện đã có trường hợp là sinh viên một trường đại học lớn, khi cai game khoảng 1 tháng thì rơi vào trầm cảm rất nặng, phải vào viện dùng thuốc điều trị. Và khi bị trầm cảm, ý nghĩ tiêu cực có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, người bệnh có thể dẫn tới quyết định tự sát chỉ trong một vài giây để chấm dứt đau khổ, bế tắc. Chơi game, nghiện game để lại rất nhiều hệ lụy. Cha mẹ cần phải có sự kiểm soát, đặc biệt đối với những trẻ nhỏ, đừng nghĩ rằng cho con chơi game một chút thì không sao. Bởi khi đã để trẻ hình thành thói quen chơi game thì rất khó bỏ. Mà con đường từ thói quen cho tới nghiện không quá xa.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top