Hỏi: Người nhà tôi mới mổ thay khớp háng nhân tạo được 6 tuần thì bị trật. Xin hỏi, nguyên do xảy ra trật khớp?
Đỗ Ngọc Hà (Quảng Ninh)
TS Dương Đình Toàn, Phó Trưởng khoa Khám xương khớp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Khớp háng nhân tạo có hai phần gồm ổ cối được gắn chặt vào xương chậu; Chỏm hình cầu nối với cán dài (chuôi), gắn chặt vào ống tủy đầu trên xương đùi. Khi vận động, chỏm chuyển động tròn trong ỏ cối. Chỏm càng to biên độ vận động càng lớn, độ mài mòn càng tăng và ngược lại.
Khớp háng nhân tạo có biên độ vận động hạn chế. Khi vận động quá tầm hoặc sai tư thế, khớp háng dễ bị trật. Ngoài dây chằng, bao khớp, hệ cơ bao quanh khớp háng giữ vai trò quan trọng, giúp làm vững khớp, giảm nguy cơ trật khớp háng nhân tạo sau mổ. Trong hầu hết các trường hợp trước mổ do đau, chân ít vận động trong thời gian dài làm cho cơ đùi, cơ vùng mông teo nhỏ. Vì vậy, sau mổ, đặc biệt là trong 8 tuần đầu, nguy cơ trật khớp háng nhân tạo tăng cao. Thời gian sau đó, nếu người bệnh tập luyện tốt, cơ rắn chắc trở lại thì nguy cơ này sẽ giảm dần.
Trật khớp dễ xảy ra khi: Động tác làm háng gấp quá 90 độ như ngồi xổm; cúi người khi đi tất, đi giầy; Động tác làm háng xoay trong quá mức như đá cầu bằng gót chân; ngồi bắt chéo chân; xoay người đột ngột sang bên chân có khớp nhân tạo; Động tác làm háng xoay ngoài quá mức như ngồi khoanh chân.