Tránh lạm dụng cắt bao quy đầu ở trẻ em

(khoahocdoisong.vn) - Đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể “tự hết hẹp”. Do đó, cần tránh lạm dụng cắt bao quy đầu.

Hẹp bao quy đầu sinh lý ở trẻ em

Hẹp bao quy đầu là tình trạng quy đầu phủ lên dương vật bị dính chặt, không thể kéo tuột xuống được. Khi nghe nói tới hẹp bao quy đầu gây ra nhiều bệnh lý sau này, đặc biệt là ung thư, nhiều bà mẹ đã cho con đi cắt bao quy đầu.

Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Đình Liên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cần phân biệt giữa hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu thực thể.

Ở trẻ em, trên 90% hẹp bao quy đầu khi mới sinh. Lý do là vì, khi sinh ra thì da bao quy đầu thường dài hơn so với quy đầu dương vật. Quy đầu dương vật thường dính với da bao quy do chất gây dịch ối, dịch cặn nước tiểu bào thai. Mặt khác phản xạ cương cứng của dương vật ít xuất hiện nên không có phản xạ đâm xuyên ra trước để “khoan, nong rộng lỗ bao quy đầu’’.

Ngoài ra, ở trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ hiện nay được sử dụng bỉm – băng vệ sinh nhiều nên tạo điều kiện thuận lợi cho viêm nhiễm vùng quy đầu, tạo điều kiện lắng đọng chất cặn nước tiểu ở trong lòng bao quy đầu. Chất cặn như kéo dán này tăng khả năng dính giữa niêm mạc bao quy đầu với quy đầu dương vật.

Còn hẹp bao quy đầu thực thể là bao quy đầu không lộn ra được, lỗ của da bao quy đầu bị co hẹp sau khi bị viêm nhiễm hoặc khẩu kính của nó bị thu hẹp lại. Phần miệng của bao quy đầu bị xơ, chai và hẹp nhỏ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi thăm khám lâm sàng, hẹp bao quy đầu sinh lý sẽ có dấu hiệu: Da bao quy đầu mềm mại, có thể di động dễ dàng khi bạn kéo bao quy đầu về phía gốc. Nếu kéo mạnh sẽ thấy được miệng sáo – miệng niệu đạo (lỗ tiểu) của quy  đầu.

Việc lộ quy đầu có thể 1 phần nhỏ hay gần hết có thể thấy được ranh giới giữa quy đầu và niêm mạc bao quy đầu. Có thể nhìn thấy, sờ thấy dưới da bao quy đầu là những hạt tròn, mềm, mầu trắng do cặn nước tiểu vón cục lại. Lỗ của da bao quy đầu mềm, mỏng.

Tránh lạm dụng cắt bao quy đầu

Th.BS Nguyễn Đình Liên cho biết, hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng, hoang mang do những thông tin thổi phồng về việc biến chứng do hẹp bao quy đầu nên thủ thuật nong bao quy đầu hay cắt bao quy đầu rất phổ biến tại các phòng khám, bệnh viện.

Tuy nhiên, ThS.BS Liên khuyến cáo, cần tránh lạm dụng nong tách hay cắt bao quy đầu ở trẻ em. “Phải hiểu đa phần trẻ em là hẹp bao quy đầu sinh lý, nếu vệ sinh, chăm sóc bao quy đầu tốt thì trẻ sẽ có thể “ tự hết hẹp”. Do đó, nong tách bao quy đầu là không cần thiết nếu trẻ không bị viêm dính bao quy đầu.

Việc chăm sóc, vệ sinh cơ quan sinh dục, bao quy đầu hàng ngày chính là kích thích để “ dương vật tự nong rộng miệng bao quy đầu”, BS Liên nói.

ThS.BS Nguyễn Đình Liên cũng khuyên các bậc cha mẹ cần đưa con tới các cơ sở y tín, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa có uy tín, được đào tạo bài bản để được khám và tư vấn cụ thể.

Khi đưa trẻ đi khám, học và hỏi cách chăm sóc bao quy đầu đúng cách, nếu trẻ lớn, có khả năng tự chủ chính bạn là người động viên, khích lệ trẻ tự biết cách chăm sóc bao quy đầu.

Theo Đời sống
back to top