Trà sữa trân châu ngon nhưng không bổ

Hiện tượng hàng trăm người trong đó đa số là sinh viên học sinh đứng xếp hàng bất chấp mưa nắng để chờ được mua trà sữa trân châu đã khiến không ít người thắc mắc.

Phải chăng những ly trà sữa này thơm ngon bổ dưỡng đúng như các bạn trẻ ưa chuộng? Về dinh dưỡng, trà pha cùng sữa liệu có tốt cho sức khỏe?

Trà tự pha không tốt.

Cơn sốt trà sữa Hà Nội

Lê Đại Hành được giới trẻ mệnh danh là con phố trà sữa sầm uất nhất Hà Nội. Con phố nhỏ chỉ vài trăm mét mà hội tụ khá nhiều tên tuổi trà sữa: Dingtea, Coco, Feeling Tea, City Fun, Heekcaa…

Không chỉ ở Lê Đại Hành mà còn rất nhiều phố khác ở Hà Nội như Trần Thái Tông, Cầu Giấy và nhiều con phố khác ở Sài Gòn, trà sữa từ lâu đã không chỉ là thức uống bình dân của học sinh, sinh viên mà còn phát triển trở thành thức uống không thể thiếu của giới văn phòng.

Chị Trần Thị Nhài, nhân viên văn phòng Công ty truyền thông Thời gian vàng (Hào Nam, Hà Nội) cho biết, chị và nhiều bạn bè trong văn phòng  thích trà sữa vì hương vị thơm, ngon ngọt béo ngậy, nhiều chủng loại phong phú.

Chị Nhài không biết trà sữa có dưỡng chất gì nhưng cho rằng 30-60 nghìn thì chắc là an toàn. Tuy nhiên, gần đây, chi phí cho trà sữa cũng khá tốn kém nếu ngày nào cũng uống.

Gần đây, do đọc báo nói về tác hại của trà sữa nên chị Nhài cũng hạn chế hơn nhưng vẫn uống vì “nghiện” hương vị của trà sữa.

Em Phạm Hồng Linh, trường THPT Ngô Sĩ Liên cho biết, trào lưu trà sữa có từ nhiều năm trước.

Nhưng thời gian gần đây mới bùng phát trở lại khi thị trường có sự tham gia của nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng quốc tế.

không chỉ của Đài Loan (thương hiệu hàng đầu về trà sữa) mà còn có trà sữa Hong Kong, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore…

Giá của mỗi cốc trà sữa khá cao, khoảng 50-60.000 đồng nhưng vẫn thu hút đông đảo học sinh sinh viên bởi không gian hiện đại sành điệu cho giới trẻ, có wifi miễn phí, tiện lợi gặp gỡ bạn bè, họp nhóm.

Do một số học sinh không có đủ điều kiện mua trà sữa của các hãng lớn nên trong trường xuất hiện những nhóm tự mua nguyên liệu về pha chế.

Rất dễ dàng có thể mua hạt trân trâu khô, bột trà xanh, bột sữa, màu thực phẩm, nước caramen, sô-cô-la, chanh leo…  bán sẵn tại các cửa hàng về nhà pha chế rồi bán với giá 15-20 nghìn đồng.

Các nguyên liệu này đều đóng gói trong các túi bóng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trà sữa tự chế, sự kết hợp phản khoa học

BS Lan Anh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, trên thực tế món chúng ta gọi là “trà sữa”đó không chứa sữa cũng không có trà.

Thành phần của nó đa phần là kem béo pha lẫn với bột “trà” cùng với các chất phụ gia khác như hương liệu tinh dầu thơm, bột pha màu chế tác thành.

Vì lợi ích, nhiều cửa hàng trà sữa trân châu không dùng bột trà tự nhiên mà chế từ bột màu. Khi uống sẽ không khác với trà tự nhiên nhưng thực tế nó được chế tạo từ các chất tổng hợp hoá học.

Nếu tinh trà trong trà sữa không vượt quá tiêu chuẩn và sử dụng không thường xuyên thì không nguy hại nhiều tới sức khoẻ.

Tuy nhiên, nếu thêm các chất phụ gia vượt ngưỡng hoặc uống quá nhiều sẽ là gánh nặng cho gan, thận. Nếu dùng thường xuyên, thời gian tích tụ lâu dài, sẽ gây thương tổn nặng cho chức năng của gan, thận.

BS Vũ Thị Lan Anh, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho hay, sữa ở trong trà sữa trân châu nếu so sánh với sữa thật thì thiếu canxi, các loại  vitamin B và vitamin A, D; hàm lượng protein cũng rất thấp.

Những chất dinh dưỡng có ở trong sữa thì trà sữa đều không có mà ngược lại trà sữa chứa đựng một lượng đường, chất béo bão hòa và acid béo chuyển hóa lớn, những thành phần này đều rất không tốt cho sức khỏe.

Thành phần chủ yếu của hạt trân châu là tinh bột lọc, đường cô đặc, hương liệu thực phẩm. Đường cô đặc là một loại chất phụ gia thực phẩm, nhưng hàm chứa nhiều nguyên tố độc hại như thủy ngân (Hg), chì (Pb) và thạch tín (As).

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thành phần chủ yếu của các loại trà sữa chủ yếu là dầu thực vật hydro hoá, một loại axit béo có dạng trans…

Loại axit này sẽ làm giảm hooc môn ở nam giới làm ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng. Ngoài ra nó còn ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản của chị em, loại axit này làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, ung thư và vô sinh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sự kết hợp trà và sữa là một việc làm phản khoa học. Sữa sẽ làm triệt tiêu các công dụng của trà.

Các protein casein trong sữa sẽ làm suy giảm các hợp chất có tác dụng bảo vệ cơ thể chống các bệnh tim mạch.

Trà kết hợp với sữa cũng sẽ đẩy nhanh quá trình đào thải canxi của sữa trước khi cơ thể kịp hấp thu.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, hãy hạn chế sử dụng trà sữa trân châu này hết mức có thể.

Hà Linh

Theo Đời sống
back to top