Cách phòng tránh các bệnh về da thường gặp khi nắng nóng

Khí hậu nắng nóng khiến da đổ mồ hôi, tích tụ bụi bẩn gây tổn thương. Đây chính là cơ hội cho nhiều loại bệnh về da phát triển trong mùa hè. Vậy cách phòng tránh các bệnh này như thế nào?

Theo ThS.BS Vũ Thị Thanh Loan, Trưởng khoa Da liễu, bệnh viện đa khoa Phú Thọ, thời tiết nắng nóng là cơ hội cho nhiều bệnh về da phát triển. Tùy từng bệnh, bạn sẽ đối mặt với những triệu chứng khác nhau, hầu hết các bệnh về da đều khiến bạn cảm thấy khó chịu và tự ti với làn da kém hoàn hảo của mình. Vì vậy, cần biết cách phòng tránh các bệnh về da khi nắng nóng.

Cháy nắng

Cháy nắng là một bệnh ngoài da mùa hè, có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư da. Bạn nên bảo vệ da khỏi các tia có hại quanh năm, đặc biệt là trong những ngày nắng gắt mùa hè.

Khi ra ngoài trời, bạn nên thoa kem chống nắng phổ rộng SPF 30 hoặc cao hơn và che chắn khi có thể như: đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc áo dài tay và quần dài…..

Cách phòng tránh các bệnh về da thường gặp khi nắng nóng ảnh 1

Da bị cháy nắng

Nấm da

Vào mùa hè, tỷ lệ người mắc bệnh nấm da cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Nấm thường xuất hiện ở những vùng da ẩm ướt hoặc có nhiều mồ hôi như bàn chân, bẹn và các nếp gấp của da. Thông thường, bệnh sẽ xuất hiện dưới dạng phát ban có vảy, da đổi màu và thường gây ngứa.

Các bệnh nấm da thường gặp là: lang ben, hắc lào, nấm kẽ chân, nấm da đầu, nấm móng…

Bệnh nấm da thường lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, bao gồm tiếp xúc với nấm trên quần áo hoặc các vật dụng khác; tiếp xúc với người hoặc động vật bị nấm.

Nấm da thường xuất hiện dưới dạng phát ban có vảy, da đổi màu và thường gây ngứa.

Nấm da

Nấm da

Rôm sảy

Rôm sảy là bệnh lành tính có thể không cần điều trị và thường gặp ở trẻ nhỏ. Rôm sảy thường mọc thành đám hoặc mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán… đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn, thậm chí toàn thân. Biểu hiện là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ hoặc mụn mủ trắng xen lẫn.

Phát ban nhiệt

Phát ban nhiệt là tình trạng tổn thương da khi tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, làm bít lỗ chân lông quá nhiều khiến mồ hôi không thoát ra được. Phát ban nhiệt dễ xảy ra ở trẻ sơ sinh do có lỗ chân lông nhỏ hơn người lớn. Bạn có thể ngăn ngừa những nốt mẩn ngứa nhỏ này bằng cách mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí, giữ cho da khô và thoáng mát nhất có thể.

Biểu hiện của rôm sảy

Biểu hiện của rôm sảy

Mụn nhọt

Đây là hiện tượng nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang – lông do tụ cầu vàng. Nhọt có thể xảy ra ở mọi nơi trên cơ thể. Một số vùng đặc biệt khi bị nhọt rất nguy hiểm như vùng quanh mũi miệng. Nhọt mọc ở vùng này dân gian thường gọi là đinh râu, là nhiễm tụ cầu ác tính vùng mặt, có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang hang rất nguy hiểm

Viêm nang lông

Viêm nang lông là bệnh lý nhiễm trùng ở nang lông do các nguyên nhân như vi khuẩn, virus, nấm,… Biểu hiện của viêm nang lông thường là các sẩn, mụn mủ, vảy tiết ở cổ nang lông, ngứa tại vùng da bị viêm, sau đó vùng da viêm sần sùi nốt đỏ, lông không mọc ra ngoài được mà xoắn vào bên trong, gây ngứa ở vùng nang lông.

Viêm da do cơ địa

Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ quá cao dễ làm cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn. Đây môi trường thuận lợi để viêm da cơ địa phát triển. Một trong những đặc tính của bệnh này là ngứa, càng nóng càng ngứa. Nhiều người bệnh không chịu được gãi mạnh dễ gây sứt da, lở loét, nhiễm trùng, làm cho bệnh càng nặng thêm.

Phát ban

Phát ban

Lời khuyên của bác sĩ để phòng tránh các bệnh về da

Các bệnh về da tuy không nghiêm trọng nhưng gây kích ứng, khó chịu cho người mắc. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa có vai trò rất quan trọng. Để phòng tránh các bệnh về da, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm.

- Mặc quần áo sạch, chất liệu thoáng, thấm hút mồ hôi.

- Lau sạch các bề mặt dùng chung như thiết bị tập thể dục hoặc thảm.

- Uống nhiều nước để giúp tuyến mồ hôi cũng như thận đào thải các chất độc tốt hơn.

- Nên ưu tiên sử dụng các loại mỹ phẩm hoặc xà phòng tắm không gây bít tắc lỗ chân lông, không chất tẩy.

- Tránh căng thẳng và lo lắng.

- Bôi kem dưỡng ẩm phù hợp với da ít nhất hai lần một ngày.

- Khi nghi ngờ mắc bệnh về da, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để biết rõ mắc bệnh gì, tình trạng bệnh như thế nào để có chỉ định điều trị thích hợp cho từng người.

Theo Đời sống
back to top