Nhiều phụ gia, dễ ngộ độc
Sáng ngày 21/5, 50 học sinh lớp 3B Trường Tiểu học Trần Phú (Quảng Ngãi) tổ chức tiệc liên hoan cuối năm. Sau khi uống trà sữa, ăn bánh kẹo và một số loại thạch, các em có biểu hiện mệt mỏi, nôn ói.
Những học sinh có biểu hiện ngộ độc nặng được đưa đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi để cấp cứu. Khi nhập viện tất cả 19 em học sinh đều có triệu chứng nôn ói, đau bụng dữ dội, trong đó có 2 em bị sốt. Bác sỹ Phạm Minh Tuấn, Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, theo những gì chúng tôi ghi nhận được, có thể các bé bị ngộ độc do uống trà sữa hoặc ăn thạch.
Ngộ độc sau khi uống trà sữa không phải lần đầu tiên xảy ra. Trước đó ngày 17/3, học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP HCM) được nhà trường phát hơn 190 chai trà sữa và cho ăn bánh mì chà bông. Đến khoảng 10 giờ, một số học sinh có triệu chứng nhức đầu, buồn nôn nên được nhân viên Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai đưa đi cấp cứu tại BV Nhi đồng TP.HCM.
Trào lưu uống trà sữa của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên… đang khá phổ biến với hàng loạt quán trà sữa mọc ra như nấm. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng cho biết, trà sữa là một loại đồ uống được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới với những thương hiệu lớn như ở Đài Loan, Philippin. V
ấn đề của trà sữa là thành phần dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong trà sữa, dinh dưỡng không đa dạng nên nếu uống nhiều sẽ gây hại. Ngoài ra, người ta thường sử dụng nhiều loại phụ gia để pha chế như chất tạo bọt, tạo mùi, tạo màu, chất chống vón, làm ngọt… Nếu những loại phụ gia này kém chất lượng thì khả năng gây ngộ độc sẽ cao.
“Chưa nói đến việc đó là thực phẩm không cân đối dinh dưỡng thì các loại hương liệu cũng là những chất độc hại. Ngoài ra, nếu sử dụng sữa tươi, sữa đặc thì không sao nhưng có nơi để tiết kiệm chi phí họ sử dụng kem béo chứa nhiều thực vật hydro hóa thì lại rất có hại”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Dễ gây nghiện, béo phì
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, chỉ nên coi trà sữa là thức uống chơi, thi thoảng uống 1 cốc thì không sao, nhưng nếu uống nhiều, thậm chí uống hàng ngày thì sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ cho sức khỏe.
Trong trà sữa có cafein là một chất kích thích thần kinh, nếu dùng lâu dài sẽ gây nghiện nhẹ. Trà sữa có rất nhiều đường, dùng lâu ngày sẽ gây ra cảm giác thèm đường, tạo ra thói quen sử dụng đường không tốt cho sức khỏe.
Ngoài ra, lượng calo trong trà sữa nhiều, trẻ sử dụng dễ mắc chứng béo phì. Hạt trân châu được làm từ tinh bột, mỗi một viên có lượng calo từ 5-14kcal. Mỗi cốc trân châu có khoảng 2 thìa trân châu tương đương với khoảng hơn 100kcl .
Cộng với khoảng 50g đường tương đương với 200kcal thì 1 cốc trà sữa cung cấp khoảng hơn 300kcal. Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng cả ngày chỉ cần khoảng 2000kcal. Do đó, uống trà sữa rất dễ gây béo phì, đặc biệt là trẻ em.
“Ngoài ra, bột tạo màu không rõ nguồn gốc dễ gây tổn thương gan, thận. Do đó, khuyến cáo đưa ra là nên hạn chế uống trà sữa, tuyệt đối không uống thường xuyên, hàng ngày.
Chỉ uống trà sữa của các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, không sử dụng hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc. Nguyên tắc của dinh dưỡng là phải cân bằng các thành phần, do đó không nên uống trà sữa như thức uống hàng ngày”, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết.
Trẻ em “nghiện” trà sữa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Cha mẹ nên điều chỉnh thói quen uống trà sữa thường xuyên của trẻ, thay bằng các loại đồ uống tươi, có nhiều chất dinh dưỡng với thành phần tự nhiên như nước hoa quả, nước từ các loại lá, củ… để tránh trường hợp trẻ bị lệ thuộc vào đường, thừa cân, béo phì, thậm chí là ngộ độc vì trà sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, thành phần chủ yếu của trà sữa là dầu thực vật hydro hóa, một loại axit béo dạng trans. Loại axit này sẽ làm giảm lượng hormone nam giới, khống chế sức sống của tinh trùng.
Bảo Khánh