Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa cứu sống bệnh nhân T.V.T. (30 tuổi), làm việc tại một công ty nội thất, bị súng bắn đinh bắn trúng tim.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa cứu sống 1 bệnh nhân bị súng bắn đinh bắn trúng tim trong lúc làm việc. (Ảnh bệnh viện) |
Bệnh nhân có triệu chứng đau ngực, khó thở, vã mồ hôi và được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức trong tình trạng vật vã, huyết áp tụt, tiếng tim mờ, mạch nhanh nhỏ, da niêm mạc nhợt, vết thương hình lỗ kim vị trí liên sườn X cạnh trái xương ức, rỉ máu. Qua X-quang cấp cứu thấy hình ảnh dị vật kim loại xuyên qua xương ức vào trung thất giữa. Đây là trường hợp vết thương tim gây sốc nặng, nên bệnh nhân được phẫu thuật khẩn cấp.
Tai nạn lao động cùng bệnh nghề nghiệp là những hiểm họa luôn rình rập và là nỗi đau đối với chính nạn nhân cùng người thân. Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân của các tai nạn nghề nghiệp đều còn rất trẻ, là trụ cột lao động chính của gia đình.
Bệnh nhân Tạ C.H. đang phải tập làm quen với cánh tay giả sau tai nạn lao động. |
Bệnh nghề nghiệp cũng khiến cho nhiều người lao động mất khả năng lao động, về “hưu non”. Trong môi trường làm việc nhiều bụi mịn, thường xuyên ngồi nhiều, bà L.T.M. (54 tuổi) bị đau lưng, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng, thêm vào đó những cơn ho dai dẳng xảy ra thường xuyên. Khi đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị thoái hóa cột sống nặng, một phần phổi bị xơ cứng do bệnh lý bụi phổi gây ra.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM chia sẻ, tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp là thực tế đang diễn ra nhưng chưa được cộng đồng và người sử dụng lao động quan tâm đúng mức. Không chỉ là vấn đề sức khỏe của cá nhân người lao động, tai nạn lao động còn ảnh hưởng chung tới năng suất, hiệu quả, lợi ích của doanh nghiệp.
Tổng kết chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội thống kê, mỗi năm, tai nạn lao động gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng mỗi năm. Bình quân mỗi năm, 7.389 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra, 7.559 người bị nạn, trong đó 613 người chết. Dự báo trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm sẽ có khoảng 230.000 người bị TNLĐ, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hằng năm tăng trên 1.000 người, gây thiệt hại kinh tế hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.
Với chương trình "Chương trình phúc lợi đoàn viên - Nâng cao sức khỏe, đoàn viên, công đoàn, người lao động'', các bác sĩ của Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM sẽ thực hiện các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp… trên địa bàn thành phố.
“Chúng tôi sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản, giúp người sử dụng lao động, người lao động cách phòng tránh các loại bệnh nghề nghiệp và giảm tối đa nguy cơ tai nạn lao động. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng giúp bệnh nhân tai nạn lao động, người mắc bệnh nghề nghiệp sớm tái hòa nhập cộng đồng”, TS.BSCKII Phan Minh Hoàng cho biết.
Bên cạnh đó, những người lao động chẳng may mang trong mình những khuyết tật, khó đi lại sẽ được các bác sĩ Bệnh viện Phục hồi Chức năng và Điều trị Bệnh Nghề nghiệp TPHCM hỗ trợ ngay tại cộng đồng. Bệnh viện đã triển khai đề án “Hỗ trợ Người khuyết tật tại cộng đồng thông qua việc đưa các bác sĩ và kỹ thuật viên đến tận nhà: khám - lượng giá và chỉ định Kỹ thuật viên thực hiện các phương pháp phục hồi chức năng tại nhà.
Theo TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, bên cạnh chương trình được thực hiện tại bệnh viện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người khuyết tật tiếp cận với dịch vụ Phục hồi Chức năng - Vật lý trị liệu ngay tại cộng đồng. |
“Đặc biệt, chương trình đã tiếp cận đến được những người khuyết tật tại cộng đồng với những trường hợp nghèo, neo đơn, không thể đi lại được. Các hỗ trợ chuyên môn ấy góp phần tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, sống độc lập, hòa nhập cộng đồng”, TS.BSCKII Phan Minh Hoàng cho biết.