TPHCM: Cứu sống bệnh nhi sau phẫu thuật tim bằng ECMO

(khoahocdoisong.vn) - Sau khi sử dụng ECMO cứu sống 7 bệnh nhi viêm cơ tiêm tối cấp, lần đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã triển khai ECMO để cứu sống bệnh nhi sau phẫu thuật điều trị tim bẩm sinh, tứ chứng Fallot.

 PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bệnh nhi Võ Nguyễn Kh.Th. (31 tháng tuổi, 11kg, ngụ tại Đồng Nai) nhập viện trong tình trạng tím tái nặng do tứ chứng Fallot, một bệnh tim bẩm sinh. 6 tháng trước đó, bé tím môi, mệt khi khóc hoặc vận động nhiều. Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã quyết định cho bé nhập viện để tiến hành phẫu thuật tim.

Bệnh nhi sau mổ tim đã hồi phục.

Bệnh nhi sau mổ tim đã hồi phục. 

BSCKII Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, bé đã được phẫu thuật để sửa chữa triệt để căn bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, do đây là một ca tim bẩm sinh gây tím nặng, suy dinh dưỡng, lại già tuổi vì thời gian phẫu thuật trị tim bẩm sinh tốt nhất là khoảng 1 tuổi nên cuộc phẫu thuật khá khó khăn với thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể gần 200 phút. Sau phẫu thuật, bé bị phù phổi cấp nặng dần, dù các bác sĩ đã điều trị tích cực, nhưng vẫn dẫn đến các tổn thương chức năng tim, phổi, thận. Bệnh nhi bị suy hô hấp và từng bị ngưng tim,

Các bác sĩ Khoa Hồi sức Ngoại đã tiến hành cấp cứu ngưng tim ngưng thở đồng thời tiến hành hội chẩn khẩn cấp giữa lãnh đạo bệnh viện, phẫu thuật viên, hồi sức ngoại, tim mạch, hồi sức tích cực… Để có hy vọng cứu bé, các bác sĩ quyết định dùng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo).

Đây là lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM can thiệp ECMO trên một bệnh nhi sau mổ tim, suy dinh dưỡng nhẹ cân, bệnh nhi bị tim bẩm sinh tím phức tạp và đã có những biến chứng nặng. Hơn thế nữa, không giống như trong viêm cơ tim tối cấp, làm ECMO ngoại biên nghĩa là sử dụng các động mạch phía ngoài như động mạch đùi, còn trên bệnh nhi này, các bác sĩ đã phải đặt ECMO Trung tâm tức là đặt các ống thông vào thẳng tim.

Theo TTND.BS Bạch Văn Cam, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu TPHCM, cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, ECMO thường được chỉ định trong một số bệnh lý nội khoa nghiêm trọng như viêm cơ tim tối cấp. Với lần đầu tiên ứng dụng thành công ECMO trong các bệnh lý ngoại khoa trên bệnh nhi sau phẫu thuật tim nặng với những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở nơi tiếp nhận nhiều ca phẫu thuật khó như Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, sẽ giúp bệnh nhi có thêm nhiều cơ hội được chữa khỏi, với chất lượng sống tốt.

Trong suốt 1 tuần chạy ECMO, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện, chức năng co bóp tim và hô hấp phục hồi tốt, tình trạng ổn định dần và dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới. Bệnh nhi sẽ phải theo dõi trong thời gian dài vì do bệnh lý tim mạch bẩm sinh nặng nên các động mạch phổi bị hẹp, vòng van tim quá nhỏ phải thay bằng van nhân tạo nên theo thời gian van nhân tạo có thể bị hở.

Tứ chứng Fallot bao gồm 4 bất thường ở tim: Một lỗ thông liên thất lớn, hẹp đường ra thất phải và van động mạch phổi, phì đại tâm thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa. Triệu chứng bao gồm tím, khó thở khi ăn, tăng trưởng kém, và cơn tím (xảy ra đột ngột, cơn tím nghiêm trọng có thể gây tử vong). Tứ chứng Fallot chiếm từ 7 - 10% các dị tật tim bẩm sinh.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, trong năm 2019, bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật điều trị tim bẩm sinh cho khoảng 460 ca, trong đó, tứ chứng Fallot chiếm 13,8%.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top