ĐH Quốc gia Hà Nội bất ngờ hủy kỳ thi riêng
Ngày 4/5, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã bất ngờ công bố hủy kỳ thi riêng như đã dự kiến trước đó.
Cụ thể, ngày 4/5, Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học 2020 của ĐH Quốc gia Hà Nội đã họp và thảo luận về phương án tuyển sinh đại học năm 2020.
Trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về kỳ thi THPT, cũng xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kì thi trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, Trường đã quyết định không triển khai kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay về cơ bản không thay đổi, ổn định như năm 2019, đó là:
Thứ nhất, mở rộng các đối tượng xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT và Quy định, hướng dẫn của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thứ hai, xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020.
Thứ ba, xét tuyển các thí sinh sử dụng các chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác (các đơn vị đào tạo sẽ quy định cụ thể theo yêu cầu của các chương trình đào tạo).
Trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cản trở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức xét tuyển dựa theo kết quả học tập bậc THPT kết hợp với hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Trước đó, ngày 22/4, theo công bố chính thức về phương án tuyển sinh đại học năm 2020 của ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi đánh giá năng lực sẽ là một trong 3 phương thức xét tuyển của nhà trường,
Một số trường dự kiến sẽ phối hợp để dùng kết quả thi của ĐH Quốc gia Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh cho trường mình như Trường đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TPHCM và Trường đại học Tài chính - Marketing (TPHCM).
Trước ĐH Quốc gia Hà Nội, chiều tối ngày 22/4, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng đã đột ngột công bố hủy kỳ thi riêng như đã dự kiến.
Khó tổ chức kỳ thi riêng trong năm nay
Những thay đổi của kỳ thi THPT Quốc gia (nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT) đã kéo theo những thay đổi trong đề án tuyển sinh của các trường đại học, trong đó có việc tổ chức kỳ thi riêng. Đây cũng là thông tin nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt là các học sinh lớp 12.
Học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài do dịch Covid-19. Ảnh: KH&ĐS. |
Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, việc tổ chức các kỳ thi riêng của các các cơ sở giáo dục đại học đúng với tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với lộ trình đổi mới, đẩy mạnh tự chủ đại học.
Và việc đẩy mạnh tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có thi riêng, đã được một số trường tốp trên chuẩn bị từ nhiều năm trước.
Trao đổi với KH&ĐS, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc tổ chức kỳ thi riêng nằm trong lộ trình đổi mới công tác tuyển sinh của nhà trường và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cách đây 1-2 năm.
Bởi vì, chủ trương của Bộ GD&ĐT trong vấn đề về đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT chiến lược đã có từ một vài năm trước đây.
Khi đã đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tinh giản hơn, gọn nhẹ hơn không gây áp lực mà mục tiêu chỉ là kiểm tra các kiến thức cơ bản để đánh giá học sinh đủ trình độ tốt nghiệp THPT thì sẽ khó có thể sử dụng một cách đầy đủ để trở thành kỳ thi tuyển sinh đại học được.
"Chính vì thế, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải có một lộ trình xây dựng một kế hoạch để đổi mới công tác tuyển sinh nhà trường từ khá lâu. Riêng trong năm nay, chúng tôi có đề xuất với Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi riêng để thử nghiệm. Từ sang năm, khi kế hoạch đổi mới công tác THPT của Bộ GD&ĐT đưa vào thực tế, thì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có phương thức tuyển sinh độc lập với thi tốt nghiệp THPT của Bộ”, ông Thắng nói.
Tuy nhiên, chiều ngày 5/5, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã lại bất ngờ công bố điều chỉnh phương án thi. Theo công bố này, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung phương án thi dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành Kỹ thuật và kinh tế. Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán-Lý hoặc Toán-Hóa) để xét tuyển, dự kiến lấy từ 30 - 35% chỉ tiêu tuyển sinh của Trường.
Trường tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống (A00, A01...) với tỷ lệ 50 - 60% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh.
Như vậy, “kỳ thi riêng” đã được điều chỉnh lại, “thu hẹp” hơn. Đó là với một trường có sự chủ động như ĐH Bách khoa Hà Nội. Còn với những trường khác, khó khăn hơn rất nhiều.
Một lãnh đạo trường ĐH chia sẻ với PV KH&ĐS, việc xoay chuyển đột ngột thi tốt nghiệp THPT với mục đích chỉ để xét tốt nghiệp như thông tin ban đầu Bộ GD&ĐT đưa ra khiến các trường lúng túng. Bởi nếu dựa vào kết quả đó để xét tuyển thì sẽ không đảm bảo chất lượng đầu vào. Nhưng để tổ chức một kỳ thi riêng thì Trường lại chưa được chuẩn bị cho tình huống này nên cũng rất khó.
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết, để tổ chức một kỳ thi riêng không hề đơn giản.
Bởi nó liên quan tới đề thi, chấm thi, khâu tổ chức thực hiện, sai sót sẽ dẫn tới những hậu quả rất lớn. Trong khi đó, không phải trường đại học nào cũng có các giảng viên có thể ra được đề các môn thi THPT. Không có, thì lại phải đi thuê. Cho nên, nếu trong thời gian ngắn, không có sự chuẩn bị thì sẽ rất gấp gáp, khó đảm bảo chất lượng.
“Làm đề thi phải chuyên nghiệp, phải được đào tạo, bồi dưỡng thì mới đảm bảo được tính công bằng, vì lợi ích của người học”, ông Khuyến nói.
Chính vì thế, ông Khuyến cho rằng, trong năm nay, việc sử dụng kết quả của kỳ thi Tốt nghiệp THPT để tuyển sinh sẽ “an toàn” và thuận lợi cho các trường. Còn các năm sau, có thể tính phương án khác. Trước đó, chia sẻ với PV KH&ĐS, ông Khuyến cũng đã dự đoán, sẽ có trường tiếp tục hủy bỏ kỳ thi riêng vì nó “khó và tốn kém”.
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến hiệu trưởng các trường ĐH góp ý dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020. Theo Dự thảo này, các trường tổ chức thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong một lần thi; phải công bố đề thi mẫu/đề thi tham khảo trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký dự tuyển, cán bộ ra đề thi phải qua lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ ra đề thi... Lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, những quy định này rất ngặt nghèo, “làm khó” các trường nếu muốn tổ chức kỳ thi riêng ngay trong năm nay.