Tiêu sợi huyết "giờ vàng", cứu bệnh nhân đột quỵ não cấp liệt nửa người

Đột quỵ nhồi máu não là căn bệnh cấp tính nguy hiểm với tỷ lệ mắc cao, nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng có thể gây di chứng thần kinh kéo dài, thậm chí tử vong.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các phương pháp điều trị đột quỵ hiện đại, tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch vẫn khẳng định là một phương pháp tái thông hiệu quả, an toàn và nhẹ nhàng cho bệnh nhân bị nhồi máu não cấp đến sớm trong vòng 4,5 giờ đầu (giờ vàng) từ khi xuất hiện triệu chứng đột quỵ đầu tiên, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như hồi phục thần kinh không để lại di chứng.

Cứu bệnh nhân đột quỵ não cấp liệt nửa người

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, mới đây, bệnh nhân T.H.V. 72 tuổi (Cẩm Tây, TP Cẩm Phả), bị đột quỵ não cấp đã được các bác sĩ đơn vị Đột quỵ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu và điều trị phục hồi hoàn toàn bằng phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.

Theo chia sẻ của người bệnh cho biết, tối ngày 26/10/2024, khi đang nằm trên giường đột ngột thấy hoa mắt, chóng mặt, cứng miệng, nói khó, nửa người trái khó cử động. Gia đình kiểm tra thấy triệu chứng bất thường, huyết áp lên cao nên lập tức đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, không nói được, liệt hoàn toàn người trái, NIHSS 10 điểm. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều năm nay. Nghi ngờ đột quỵ, các bác sĩ đã nhanh chóng chụp cắt lớp vi tính dựng hình mạch não phát hiện tắc động mạch đốt sống trái, đỉnh thân nền.

Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo thăm khám vận động cho bệnh nhân V. sau điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết. Ảnh BVCC

Bác sĩ khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo thăm khám vận động cho bệnh nhân V. sau điều trị đột quỵ bằng thuốc tiêu sợi huyết. Ảnh BVCC

Ngay lập tức, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết tại phòng chụp để bệnh nhân đột quỵ được điều trị sớm nhất. Sau tiêm khoảng 1 giờ, tình trạng bệnh nhân tiến triển tích cực, tỉnh táo trở lại, tay chân bên liệt đã dần cử động được. Sau điều trị 2 ngày, bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn, chân và tay trái hết liệt, vận động đi lại bình thường, nói chuyện lưu loát.

Nhìn ông V. vui vẻ, rạng rỡ trò chuyện sau 2 ngày điều trị không ai nghĩ trước đó tính mạng ông nguy kịch như thế nào.

“Đang nằm trên giường tôi đột nhiên choáng váng, miệng khó nói, không thể cử động được nửa người. Gia đình phát hiện đã lập tức đưa tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau hôn mê tỉnh dậy, bác sĩ hỏi tôi nhớ mọi điều nên trả lời rõ ràng, chân tay bên trái từ không điều khiển được giờ vận động bình thường..". ông V. chia sẻ.

Phương pháp tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ nhồi máu não

Đột quỵ nhồi máu não là căn bệnh cấp tính nguy hiểm với tỷ lệ mắc cao, nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể gây di chứng thần kinh kéo dài, để lại cho bệnh nhân, gia đình và xã hội hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong.

Điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết là một trong những phương pháp được khuyến cáo sử dụng hàng đầu, mang lại hiệu quả “thần kỳ” cho những bệnh nhân bị nhồi máu não cấp được sử dụng kịp thời trong những giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, giúp giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như giảm biến chứng gây ra cho người bệnh.

Bác sĩ CKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch là một phương pháp điều trị nội khoa, song mang kết quả tối ưu với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp. Phương pháp này sẽ làm tan cục máu đông gây tắc mạch máu não mà không cần phẫu thuật hay can thiệp, người bệnh sau điều trị hồi phục nhanh, giảm thiểu tối đa di chứng. Cho đến thời điểm hiện tại, tiêu sợi huyết vẫn luôn được khuyến cáo cho người bệnh đột quỵ nhồi máu não cấp trong cửa sổ 4,5 giờ.

Trường hợp của bệnh nhân V. bị đột quỵ nhồi máu não cấp được điều trị thành công nhờ phương pháp này. Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là bệnh nhân được phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời chỉ trong 1 tiếng từ khi có triệu chứng đầu tiên, nhờ vậy tăng cơ hội bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng. Với đột quỵ, thời gian là não, càng được điều trị sớm bao nhiêu thì cơ hồi phục hồi tốt bấy nhiêu”.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sắp xảy ra

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Khi đột ngột có những dấu hiệu như: méo miệng, liệt mặt, tê bì, yếu nửa người, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, mắt nhìn mờ, đau đầu… gia đình phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị trong thời gian ngắn nhất (dưới 4,5 tiếng) để có thể sử dụng phương pháp tiêu sợi huyết.

Đối với những trường hợp này, thời gian là não, là tính mạng người bệnh, điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi hoàn toàn, không để lại di chứng càng cao. Gia đình tuyệt đối không nên mất thời gian chờ người bệnh tự phục hồi hay sử dụng các phương pháp dân gian truyền miệng để điều trị tại nhà bởi điều đó đã vô tình kéo dài thời gian và đánh mất cơ hội sống của chính người bệnh.

Theo Đời sống
Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm sao?

Mỗi năm, ít nhất 1,7 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị nhiễm khuẩn huyết. Ít nhất 350.000 người lớn bị nhiễm khuẩn huyết tử vong trong thời gian nằm viện hoặc chuyển sang chăm sóc cuối đời. Vì vậy, cần biết về bệnh để phòng tránh.
back to top