Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ... cha mẹ lơ đễnh, con dễ nguy kịch

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ mới sinh, chủ yếu là do hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu dị dạng, tim bẩm sinh, nhiễm trùng hoặc do tự miễn…

“Đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh vì trẻ con không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc...”, TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết.

Quan niệm sai lầm về đột quỵ

Gần đây, một bà mẹ trẻ chia sẻ câu chuyện con trai mới 3 tuổi vốn khỏe mạnh bỗng ra đi vì đột quỵ gây xôn xao mạng xã hội. Trong bài đăng, người mẹ viết: "Không thể ngờ một đứa bé 3 tuổi khoẻ mạnh, nhanh nhẹn lại có thể ra đi vì đột quỵ chỉ trong vòng 3 giây”.

Theo đó, bé hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng hôm xảy ra sự việc, buổi trưa bé có đại tiện không tự chủ (trong khi hàng ngày bé đều đi ngoài tự giác). Tối về bé vẫn chơi, ăn khoẻ và chủ động đi vệ sinh bình thường, nhưng ít nói hơn mọi hôm.

“Khoảng 22h30 con đòi đi ngủ trong khi bình thường 23h bắt đi ngủ con vẫn thức. Ngủ được 30 phút con bắt đầu chồm dậy nói "đi đớ đi đớ đi đớ”... Nhưng mẹ nào đâu biết đấy là biểu hiện thứ hai của đột quỵ - lưỡi bị cứng khó phát âm”, người mẹ viết.

30 phút sau, bé bất ngờ bị co giật, môi tím tái, lưỡi thè ra và ngừng thở. Dù gia đình đã đưa bé đến bệnh viện, bác sĩ cố gắng hồi sức trong hơn một giờ, nhưng bé không qua khỏi.

Đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em - Ảnh minh họa

Đột quỵ não có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em - Ảnh minh họa

PGS.TS Lê Văn Trường, Phó Giám đốc, Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thực tế có nhiều ca trẻ nhỏ bị đột quỵ chảy máu nội sọ do vỡ dị dạng động tĩnh mạch (AVM).

AVM là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không đi qua hệ mao mạch bình thường của não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Bệnh gặp chủ yếu ở trẻ nhỏ và người trẻ dưới 45 tuổi trong 3 tình huống: Chảy máu não (50 - 60%), đau đầu, động kinh (40 - 45%), hoặc tình cờ (5 - 10%).

Đột quỵ não ở trẻ - Ảnh minh họa

Đột quỵ não ở trẻ - Ảnh minh họa

Theo PGS.TS Lê Văn Trường, khoảng 1-2% dân số bị AVM, trong đó mỗi năm có ~1% bệnh nhân bị vỡ. Ở khu vực có 1 triệu dân, ước tính có 100 người bị đột quỵ chảy máu não do vỡ, trong đó có khoảng 10-15% bị tử vong trước khi đến viện và 50% tử vong trong tháng đầu.

Hầu hết các dị dạng tồn tại không triệu chứng, nên không được phát hiện trước khi bị vỡ gây đột quỵ chảy máu não. Có thể vỡ 1 lần hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước và khó biết thời điểm bị vỡ lại. Khoảng 30% số bệnh nhân bị chảy máu tái phát trong vòng 2 tuần đầu sau lần chảy máu đầu tiên. Tỷ lệ tử vong và tàn phế cao.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã từng thực hiện cấp cứu khẩn ngay trong đêm cứu bé trai 10 tuổi bị đột quỵ não. Trong khi đang chơi, bé bị đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó...

Ảnh: Kiểm tra tình trạng phục hồi cho trẻ đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng - Ảnh BVCC

Ảnh: Kiểm tra tình trạng phục hồi cho trẻ đột quỵ tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng - Ảnh BVCC

Tương tự tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM cũng điều trị cho nhiều trẻ bị đột quỵ, thông thường ở độ tuổi từ 7-12 và có bé chưa đầy một tuổi. Phần lớn trẻ đột quỵ do bị hẹp động mạch nội sọ, vỡ mạch máu dị dạng... kèm theo bệnh tim bẩm sinh.

TS.BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khuyến cáo, chúng ta thường quan niệm, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, rất ít khi gặp ở trẻ con. Đó là quan niệm sai lầm và vô cùng tai hại.

Thực tế gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong nhiều tình huống khác nhau, có liên quan đến đột quỵ: Từ tê, yếu tay chân cho đến hôn mê sâu... do bệnh lý Moyamoya (MY) gây tổn thương hai mạch máu chính của não.

Điển hình như bệnh nhi Nguyễn Thị T.N. (5 tuổi, ở Đăk Nông). Trước đó 6 tháng, bé bị yếu tay chân trái đột ngột rồi tự hồi phục. Tình trạng này lặp lại nhiều lần và có xu hướng nặng dần. Tháng 3/2021, bé nhập viện trong tình trạng có nhiều cơn đột quỵ lặp lại mỗi lần khóc hay vận động mạnh. Kết quả chụp MRI não và chụp mạch não DSA cho thấy, bé bị bệnh MY cả hai bên mạch máu não chính.

Trước đây, nhiều trường hợp MY bị bỏ sót nên trẻ nhập viện trong tình trạng liệt nặng và thậm chí tử vong do não tổn thương.

Bệnh khó phát hiện, thách thức trong chẩn đoán

Theo Hiệp hội Đột quỵ Mỹ, ngoài cách phân loại theo xuất huyết và thiếu máu cục bộ như ở người lớn, đột quỵ ở trẻ em còn được phân loại theo độ tuổi.

- Đột quỵ xảy ra từ 28 tuần thai đến 28 ngày sau sinh được gọi là đột quỵ chu sinh. Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ chu sinh bao gồm từ phía thai nhi (bệnh tim bẩm sinh, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, chấn thương hoặc ngạt khi sinh) và từ phía người mẹ (con so, tiền sử vô sinh, nhiễm trùng ối, thiểu ối, vỡ ối sớm, sinh mổ cấp cứu, tiền sản giật, rối loạn đông máu). Đột quỵ chu sinh khó phát hiện, chủ yếu được điều trị bằng việc tìm các yếu tố nguy cơ để điều chỉnh.

- Đột quỵ từ 28 ngày sau sinh đến 18 tuổi là đột quỵ trẻ em với các triệu chứng đột quỵ tương tự như ở người lớn, bao gồm: Co giật, yếu liệt chi, méo mặt, rối loạn thị lực, rối loạn phối hợp vận động và rối loạn ngôn ngữ...

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh, Bệnh Viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM nhấn mạnh, đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ đối với các bác sĩ trong việc chẩn đoán, nhận biết bệnh vì trẻ con không biết cách than phiền, nhất là trẻ chưa biết nói. Trẻ đau đầu chỉ có thể quấy khóc.

Đây cũng không phải là bệnh phổ biến hay gặp ở trẻ em nên chẩn đoán thường chậm trễ, quá giờ vàng để can thiệp cứu sống các bé.

Do đó, TS Đức khuyên, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ than đau đầu dữ dội, nôn ói, méo miệng kèm theo co giật hoặc yếu liệt một bên hay trẻ quấy khóc, nôn vọt sau bú… thì cần đưa trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa thần kinh hoặc chuyên khoa nhi để khám, can thiệp và điều trị kịp thời.

Cha mẹ cần hiểu rằng, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng, chỉ tính bằng giây. Phát hiện trễ, khả năng tử vong rất cao hoặc sau điều trị sẽ để lại di chứng nặng nề cho trẻ, như liệt nửa người không thể tự sinh hoạt, chăm sóc bản thân.

Cách phát hiện đột quỵ ở trẻ

Cần đưa trẻ đến khám ngay khi có những biểu hiện sau mà không rõ nguyên nhân:

1. Đau đầu kéo dài, tái phát nhiều lần.

2. Động kinh, co giật nhưng không liên quan sốt.

3. Yếu, tê hoặc dị cảm ở mặt, tay hoặc chân.

4. Rối loạn thị giác.

5. Khó nói hoặc chậm hiểu hơn thông thường.

6. Xuất hiện những vận động không chủ ý.

7. Suy giảm nhận thức.

8. Mất thăng bằng hoặc khó khăn khi đi lại.

9. Buồn ngủ bất thường hoặc uể oải.

Theo Đời sống
Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại sức khỏe

Nước mắm là thứ gia vị không thể thiếu trong các gia đình Việt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng nước mắm đúng cách. Nhiều người mắc phải những sai lầm khi sử dụng nước mắm, vô tình gây hại cho sức khỏe.
Cận cảnh em bé chào đời với 3 vòng hoa quấn cổ: Cẩn thận biến chứng

Em bé chào đời với 3 vòng dây rốn quấn cổ

Vòng hoa quấn cổ là tình trạng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi một vòng hay nhiều vòng. Phần lớn trường hợp dây rốn quấn cổ thường không liên quan đến mắc bệnh và tử vong chu sinh nhưng cần theo dõi để tránh biến chứng.
back to top