Đang nấu ăn bỗng lên “cơn”
Bệnh viện 103 vừa tiếp nhận thai phụ Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) lên “cơn” sản giật nặng, co cứng người, mắt trợn ngược, hàm cứng, miệng sùi bọt mép, cơ thanh quản co lại làm bệnh nhân ngạt thở, thiếu oxy gây nên tím tái, gần giống với người bị động kinh. Sau khi cấp cứu, các bác sĩ đã tiến hành mổ cứu được cả hai mẹ con. Đây là trường hợp sản giật nặng, mà thai phụ không biết các dấu hiệu, hay đi khám thai trước đó.
TS Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản, Bệnh viện 103 cho biết, tai biến này thường là hậu quả của quá trình nhiễm độc thai nghén hoặc có bệnh tăng huyết áp mà không được điều trị kịp thời. Khi có thai, người mẹ có nhiều thay đổi trong cơ thể về các mặt thần kinh, thể dịch. Đặc biệt, các chất nội tiết tăng lên đột ngột, một số chất đạm ngoại lai từ thai sinh ra làm cho cơ thể người mẹ không thích ứng.
Các hiện tượng dị ứng này có thể xuất hiện sớm trong 3 tháng đầu, làm cho thai phụ có triệu chứng nghén (nôn và tiết nước bọt) nhưng cũng có thể xuất hiện vào tháng thứ 8 trở đi, biểu hiện bằng triệu chứng tăng huyết áp, phù, nước tiểu có albumin – đó là tình trạng nhiễm độc thai nghén của người mẹ. Có thai phụ có dấu hiệu, nhưng cũng thai phụ không hề có dấu hiệu gì, chỉ cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, và đâu đầu, rồi lên cơn lúc nào không biết.
Khi sản giật xảy ra, dùng que gỗ ngáng qua mồm sản phụ để đề phòng sản phụ cắn vào lưỡi. Để sản phụ nằm nghiêng đầu về một bên cho đờm dãi chảy ra dễ dàng, khám thai đúng hẹn. Người có bệnh thận, tăng huyết áp từ trước phải đến cơ sở y tế theo dõi chặt chẽ, điều trị tích cực. Để phòng bệnh, điều đầu tiên, sản phụ cần theo dõi khám ở một cơ sở y tế để phát hiện sớm các dấu hiệu. Khi mang thai không nên ăn mặn, nên có chế độ nghỉ ngơi, và tránh tăng cân nhiều.
Xuất huyết não có thể xảy ra ngay khi lên cơn giật
Sản giật có thể xuất hiện trước khi sinh hoặc sau khi sinh. Sản giật còn là triệu chứng của các bệnh tăng huyết áp hay do bệnh thận mạn tính bị nặng lên khi có thai, thường gặp trong các trường hợp: Người trẻ, sinh con so; Người lao động nặng, mệt mỏi mà gần đến tháng sinh không được nghỉ ngơi; Thời tiết quá lạnh, quá nóng, đặc biệt khi thời tiết giao mùa thu sang đông, xuân sang hè như hiện nay. Một nửa phụ nữ mắc chứng tiền sản giật sẽ chuyển thành chứng sản giật trong khoảng 24 giờ sau khi sinh.
Tiền sản giật ảnh hưởng trực tiếp đến nhau thai, khiến thai nhi thiếu dưỡng chất và oxy. Thai chậm phát triển. Thường những đứa trẻ này sẽ ít cân hơn bình thường. Tuy nhiên, đối với mẹ sẽ nặng nề hơn, nó khiến bà mẹ tổn thương gan, thận, chảy máu, co giật khi chuyển dạ.
Nếu không điều trị kịp thời, tiền sản giật có thể dẫn tới phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần hoặc gây tử vong cho thai phụ. Tùy vào tuổi thai, và độ nặng nhẹ của sản giật mà bác sĩ quyết định cách xử lý. Nếu thai nhỏ, bị nhẹ thì sẽ được theo dõi, uống thuốc. Nếu bệnh tăng dần lên trong khi có thai thì phải phá thai sớm để cứu tính mạng người mẹ. Nếu thai gần đủ tháng thì sẽ được chỉ định mổ.
Phạm Hằng