Ban đầu, bệnh gây tổn thương màng hoạt dịch khớp và làm yếu cơ chế tự miễn. Theo thời gian, căn bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển và gây bào mòn khớp, dính cứng khớp. Các khớp bị tổn thương do viêm khớp dạng thấp thường là khớp bàn tay, khớp bàn chân, khớp gối, khớp khuỷu…
Dạng bệnh nặng nhất trong các bệnh về khớp
Viêm khớp nói chung có nhiều nguyên nhân gây bệnh nhưng viêm khớp dạng thấp, thể bệnh nặng nhất trong các bệnh khớp nói chung là do rối loạn miễn dịch, mắc bệnh tự miễn. PGS.TS. BSCK2 Vũ Thị Thanh Thủy, nguyên trưởng khoa Khớp BV Bạch Mai cho biết, viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn liên quan rối loạn miễn dịch kèm theo rối loạn gen.
Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện sưng đau nhiều khớp có tính chất đối xứng, bản chất là viêm khớp dễ gây tổn thương, biến dạng khớp, dính khớp, có nguy cơ teo cơ, tàn phế. Bên cạnh biểu hiện viêm khớp còn có các dấu hiệu toàn thể như tổn thương tim, màng phổi, rối loạn máu, thiếu máu, tiểu cầu giảm, tổn thương thận, có hạt dưới da, biến dạng khớp.
Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện đa dạng nên cần có tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh như cứng khớp buổi sáng, kéo dài ít nhất 1 giờ trước khi bệnh nhân thấy có cải thiện tối đa; Viêm khớp tác động tới trên 3 khớp, có tình trạng sưng mô mềm hoặc tràn dịch được quan sát thấy; Viêm khớp ở các khớp bàn tay; Viêm khớp có tính chất đối xứng; Có các hạt dạng thấp …
Điều trị viêm khớp dạng thấp hết sức khó khăn, phải có chiến lược lâu dài chứ không thể dùng giảm đau, chống viêm như các loại viêm khớp thông thường. Theo PGS.TS. BSCK2 Vũ Thị Thanh Thủy, mục tiêu điều trị là giúp bệnh nhân không viêm khớp nữa, giảm đau cho bệnh nhân, sau điều trị không tái phát. Muốn vậy người ta phải tác động lên nguyên nhân gây bệnh.
Bản chất của bệnh là do rối loạn miễn dịch, liên quan yếu tố tiền viêm nên bên cạnh việc chống đau, giảm viêm phải tác động vào nguyên nhân cơ bản gây bệnh đó. Về mặt cổ điển có một số thuốc điều trị cơ bản methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine… Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học, trên thế giới có một số thuốc gọi là thuốc sinh học, có tác dụng điều trị hiệu quả đối với bệnh.
Thuốc sinh học cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Đây là loại thuốc điều trị tác động đích vào nguyên nhân gây bệnh, tác động đích vào kháng thể đơn dòng, tác động trực tiếp vào Interleukin là nguyên nhân rối loạn miễn dịch, gây viêm. Hiện nay ta đã đưa nhiều loại thuốc sinh học về Việt Nam điều trị cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp như thuốc kháng TNF α, kháng Interleukin 6, kháng lympho B…dùng để điều trị cho bệnh nhân thể nặng hoặc tiên lượng nặng.
Thực chất thuốc sinh học là gì? Trong viêm khớp dạng thấp có yếu tố thấp gồm phức hợp miễn dịch, người ta lấy phức hợp miễn dịch đó tiêm cho chuột để chúng sinh ra kháng thể kháng lại phức hợp kháng thể đó. Sau đó người ta tách, chiết để tiêm cho người. Cơ chế tác động là một phản ứng miễn dịch nên là tác động trực tiếp nguyên nhân gây bệnh- Interleukin gây tổn thương bệnh hoặc tế bào lympho T, B nên có hiệu quả cao nhưng cũng có tác dụng phụ nhất định.
Không phải cứ thuốc sinh học là an toàn bởi khi ta đưa vào cơ thể 1 chất gây phản ứng kháng nguyên kháng thể khác trong cơ thể, nếu cơ thể không đáp ứng có thể bị rối loạn miễn dịch, suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ kháng thuốc cho người bệnh. Vì vậy, dù là thuốc sinh học có tác dụng nhanh, mạnh, tác dụng đích bệnh nhưng trong điều trị, các bác sĩ vẫn phải ưu tiên phương pháp cổ điển trước, bệnh nhân điều trị sau 6 tháng bằng các thuốc cổ điển không đỡ mới đặt vấn đề dùng thuốc sinh học.
PGS.TS. BSCK2 Vũ Thị Thanh Thủy cho biết, khi bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp nặng, phải dùng đến thuốc sinh học phải được theo dõi chặt chẽ bởi nguy cơ biến chứng ung thư, nhiễm lao, viêm gan. Một số bệnh nhân mắc bệnh nặng, tiên lượng bệnh tiến triển nhanh, gây hủy xương, dính khớp sớm có thể bỏ qua giai đoạn dùng các loại thuốc cổ điển, chuyển ngay sang dùng thuốc sinh học nhưng phải theo dõi chặt chẽ.
Quan điểm mới khi dùng thuốc sinh học điều trị cho người bệnh, sau một thời gian người bệnh đáp ứng tốt với thuốc có thể chuyển sang dùng cách nhật, 2-3 tháng/lần, tùy theo đáp ứng từng bệnh nhân, trên thế giới hiện nay cũng vừa nghiên cứu, vừa áp dụng.
Khánh Thủy