Không phải cứ gia truyền nhiều đời là tốt
Ông có ý kiến gì khi hiện nay trên Facebook, Youtube luôn tràn ngập các quảng cáo: “Nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh xương khớp, nhà tôi 3 đời chữa khỏi bệnh sỏi mật, sỏi thận..."?
Gia truyền đều có thời kỳ và giai đoạn của nó. Chẳng hạn, gia truyền của người bố để lại cho con thì khác và của ông để lại cho cháu cũng khác. Không phải cứ gia truyền nhiều đời là tốt và thực tế rất khó có sự gia truyền nhiều đời. Bởi người tiếp thu gia truyền phải là người có kiến thức về Đông y giỏi, phải biết xem mạch, khám bệnh, chẩn bệnh chính xác mới dựa vào bài thuốc gia truyền để gia giảm và đưa ra bài thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân. Cha ông ta từ xưa vẫn làm thế, chứ không phải 1 bài thuốc gia truyền là áp dụng được cho tất cả các bệnh nhân như quảng cáo hiện nay.
Quảng cáo chữa bệnh. |
Vậy sao người ta lại cấp phép cho các bài thuốc gia truyền, thưa ông?
Đây là lỗi của cơ quan chức năng, nhiều người ngay cả ở nơi cấp phép (Bộ Y tế) cũng chưa hiểu hết gia truyền là gì. Họ chỉ mới để ý tới vấn đề: Gia truyền là kinh nghiệm của nhà truyền lại mà chưa trú trọng đến việc người tiếp thu sự truyền lại đó là ai, có kiến thức về Đông y không ...?
Hơn nữa, bài thuốc gia truyền chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn lịch sử nhất định. Bởi theo Đông y, con người chịu sự tác động môi trường và xã hội, phụ thuộc vào ăn uống, khí hậu, thời tiết... trong giai đoạn đó nên bài thuốc chỉ có tác dụng thời điểm.
Vì dụ, ngày xưa, con người mỗi năm chỉ được ăn vài ba lần thịt, cá vào những dịp đặc biệt, chứ không ngày nào cũng ăn như hiện nay. Họ cũng sống trong môi trường trong lành, ít bị ô nhiễm, thực phẩm không bị nhiễm hóa chất... Trong khi hiện nay môi trường sống hoàn toàn thay đổi. Do đó, những bài thuốc gia truyền có thể không còn phù hợp với con người hiện đại. Ngay cả những bài thuốc cổ phương cách đây 2.500 năm cũng không còn ý nghĩa nếu người thầy thuốc không biết cách kế thừa và phát triển gia giảm cho phù hợp với lối sống và sự biến đổi về bệnh tật ở người hiện đại.
Tức là các bài thuốc gia truyền cũng phải thay đổi?
Tại nhiều hội nghị tôi đã phát biểu về vấn đề này. Điều trị theo Đông y là phải tuân thủ theo âm dương ngũ hành và quy luận của tự nhiên. Chẳng hạn, cùng bệnh đó nhưng mỗi mùa: Xuân, hạ, thu, đông lại có cách điều trị khác nhau. Hay ngay cả xem mạch của một con người cũng khác nhau trong cùng một ngày: Mạch buổi sáng khác, trưa khác, buổi chiều và tối khác chứ chưa nói đến chuyện mỗi mùa khác nhau.
Cơ thể con người thay đổi cho nên các bài thuốc gia truyền phải đảm bảo 3 tiêu chí cơ bản, đó là:
1 - Người tiếp thu bài thuốc gia truyền đó am hiểu, có kiến thức sâu rộng về Đông y và thực hành Đông y trị bệnh?
2 - Bài thuốc gia truyền đó ở địa phương nào phải có thời hạn, tác dụng và gia giảm trên từng người bệnh... Không phải thuốc chữa lành cho bố thì con cũng lành đâu.
3 - Tất cả những người có bài thuốc gia truyền khi được cấp chứng chỉ hành nghề phải qua một cuộc thi kiểm tra tay nghề, nếu đạt mới được cấp phép.
Chỉ có lang vườn, lang băm mới quảng cáo chữa bệnh
Ông đánh gia sao khi các lương y “3 đời gia truyền” cam kết chữa được bách bệnh, ai uống thuốc cũng khỏi..?
Nghe theo quảng cáo mà bốc thuốc thì chắc chắn bệnh nhân chỉ gặp được lang vườn hoặc lang băm chứ không phải là thầy thuốc Đông y. Bởi một thầy thuốc Đông y chân chính khi điều trị phải gặp mặt bệnh nhân, thực hiện các phương pháp vọng, văn, vấn, thiết... để tìm đúng bệnh mà chữa chứ không bao giờ chữa qua kiểu “thuốc ai dùng cũng được, ai uống cũng khỏi”. Tôi chưa bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xem mạch. Mà ngay cả xem mạch cũng còn chưa chính xác. Bởi trong Đông y, triệu chứng một đằng còn bệnh một nẻo.
Đặc biệt, Đông y trị bệnh là theo học thuyết âm dương ngũ hành. Cấu trúc âm dương của từng người khác nhau nên thuốc phải được dùng cho từng người, phù hợp với âm dương của người đó. Hơn nữa, âm dương khác khiến khí huyết cũng khác, khi khí huyết khác giống như truyền máu phải đúng, truyền sai thì sẽ mất mạng. Cho nên lấy 1 bài thuốc dùng cho tất cả mọi người là một sai lầm. Thậm chí ngay cả bài thuốc “cao đơn hoàn tán” vốn được khuyến cáo có thể dùng cho nhiều người nhưng nó chỉ có ý nghĩa rất vừa phải. Bài thuốc hoàn tán tốt là bài thuốc riêng cho từng người, bệnh nhân phải được xem mạch, chẩn bệnh, cắt thuốc phù hợp... mới có tác dụng trị bệnh cho người đó.
Ông lời khuyên gì để người dân tránh được “tiền mất, tật mang” cho các bài thuốc như vậy?
Các cơ quan chức năng cần có biện pháp cấm các quảng cáo chữa bệnh như vậy. Các bài thuốc gia truyền cần phải được kiểm duyệt kỹ, chỉ cấp phép cho người có tay nghề với công dụng và khuyến cáo rõ ràng... Bệnh nhân thì không nên nghe lời đồn thổi kiểu chữa được bách bệnh, ai uống cũng khỏi.
Xin cảm ơn ông!
Trung bình một tháng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc. Đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc gia truyền "3 đời" chữa dứt điểm tiểu đường, thoái hoá khớp, sỏi thận, giảm cân, sinh con trai... nên đã không ngần ngại mua về uống, chẳng ngờ lại gặp tai họa... Nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị vì men gan tăng, vàng da, vàng mắt và đặc biệt có bệnh nhân suýt ngừng tim...