Thực phẩm tốt cho trẻ bị đái tháo đường

Bên cạnh dùng insulin cần phối hợp chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt mục tiêu không chỉ ổn định đường huyết mà còn đảm bảo cho sự tăng trưởng bình thường và hạn chế tối đa biến chứng của bệnh.

Giảm bớt lượng chất bột đường

Nhu cầu năng lượng và hầu hết các chất dinh dưỡng ở trẻ bị ĐTĐ tương tự như trẻ không bị ĐTĐ. Sự khác biệt chính trong chế độ ăn của trẻ bị ĐTĐ là phải giảm bớt lượng chất bột đường.

foods-for-diabetes1.jpg
Sự khác biệt chính trong chế độ ăn của trẻ bị đái tháo đường là phải giảm bớt lượng chất bột đường. Ảnh minh họa

Trẻ bị ĐTĐ chỉ nên ăn chất bột đường chuyển hóa chậm để hỗ trợ giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường.

Trẻ bị ĐTĐ cũng cần ăn đủ lượng và loại chất béo phù hợp với lứa tuổi. Chất đạm nên ăn đủ chất đạm có nguồn gốc động vật để cung cấp các amino acid thiết yếu có giá trị sinh học cao; cần ăn đủ lượng rau và chọn các trái cây có chỉ số đường huyết thấp.

Các bữa ăn trong ngày phải đúng giờ và nên chia nhỏ bữa ăn. Mỗi ngày trẻ nên ăn đủ 6 nhóm thực phẩm là chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, trái cây, sữa và sản phẩm từ sữa.

Chế độ ăn cho trẻ bị ĐTĐ nên được cá thể hóa tùy theo độ tuổi, cân nặng, chiều cao, tình trạng bệnh lý và mức độ hoạt động của trẻ. Tìm hiểu để lựa chọn thực phẩm phù hợp rất hữu ích đối với trẻ ĐTĐ.

Sữa và sản phẩm từ sữa

Sữa và sản phẩm từ sữa như pho mát, sữa chua và sữa chứa nhiều chất dinh dưỡng mà trẻ em cần như chất đạm, chất béo, đường lactose, các chất khoáng tốt như canxi, phospho, kali...

Một số loại sữa và sản phẩm từ sữa được bổ sung vitamin D, vitamin A…

Nên cho trẻ bị ĐTĐ sử dụng các loại sữa ít béo, không đường, có bổ sung vi chất dinh dưỡng, vì vậy, các bà mẹ cần chú ý đọc nhãn trước khi mua.

Phô mai giàu canxi, chất béo và chỉ có lượng nhỏ đường lactose chỉ 1g trong một thanh phô mai, cũng như sữa chua có đường lactose vốn là đường của sữa nên được coi là một món ăn nhẹ lành mạnh.

Bạn có thể trộn thêm trái cây yêu thích của trẻ vào sữa chua để tăng cường thêm lượng trái cây trong chế độ ăn cho trẻ.

Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) cũng khuyến nghị trẻ em bị ĐTĐ nên ăn ít chất béo bão hòa.

Trái cây

Đây là một trong các nhóm thực phẩm cần cho trẻ ăn vì ngoài cung cấp vitamin chất khoáng còn cung cấp chất xơ hỗ trợ điều hòa đường huyết sau ăn. Hầu hết trái cây đều có thể ăn được trừ các loại trái cây có nhiều đường như sầu riêng, mít, nhãn…

Thông thường một quả táo, cam hoặc đào kích thước trung bình chỉ chứa khoảng 15g chất bột đường. Một chén ăn cơm dưa gang, dưa bở, lê, thanh long… đã cắt nhỏ cũng chứa lượng chất bột đường tương đương.

Trái cây khô hoặc đóng hộp luôn có lượng đường cao hơn trái cây tươi. Chỉ hai thìa trái cây khô không thêm đường như quả mơ, anh đào hoặc nho khô đã có khoảng 15g đường.

Nếu chọn trái cây đóng hộp hãy chọn những loại không thêm đường hoặc đóng gói trong nước thay vì trong sirô.

diet.jpg
Hầu hết trái cây đều có thể ăn được trừ các loại trái cây có nhiều đường như sầu riêng, mít, nhãn… Ảnh minh họa

Mặc dù nước ép trái cây không cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng và chất xơ có thể nhận được từ trái cây nguyên chất, nhưng nước ép trái cây 100% không thêm đường có thể được đưa vào chế độ ăn uống lành mạnh để giúp trẻ thay đổi khẩu vị và không nên cho trẻ uống quá 2 lần mỗi ngày.

Nếu trẻ không thích ăn trái cây, bạn có thể thêm trái cây vào sữa chua, rau câu, bột yến mạch rồi cắt thành những hình ngộ nghĩnh để hấp dẫn trẻ và từ đó xây dựng thói quen ăn uống tốt

Rau xanh

Rau xanh rất cần thiết cho trẻ bị ĐTĐ vì cung cấp chất xơ giúp hạn chế tăng đường huyết sau ăn, cung cấp các vitamin có đặc tính chống oxy hóa tốt như beta-caroten, vitamin C và các polyphenol. 

Qua đó giúp bảo vệ tế bào trong đó có các tế bào tuyến tụy vốn chịu trách nhiệm tiết insulin để điều hòa đường máu.

Hầu hết các loại rau có lượng chất bột đường rất thấp. Ví dụ, một chén dưa chuột cắt miếng chỉ có khoảng 4g chất bột đường (carbohydrate), 1 chén cà chua bi chỉ có khoảng 6g chất bột đường.

Theo Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) vì lượng chất xơ trong rau nhiều và chất bột đường trong rau ít nên lượng rau ăn ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.

Thông thường trẻ em không thích ăn rau nên chúng ta cần tìm cách hướng dẫn và lựa chọn các lại rau trẻ dễ chấp nhận như dưa chuột, ớt chuông, cần tây, bông cải xanh, bông cải trắng. Có thể cắt thành những miếng nhỏ, luộc, làm salad là những lựa chọn tuyệt vời cho bữa ăn nhẹ.

Các loại rau củ và đậu giàu chất bột đường

Một số loại thực phẩm hay được dùng để chế biến món ăn dạng canh, súp như khoai tây, khoai mỡ bí ngô, đậu Hà Lan, đậu trắng... có chứa lượng chất bột đường cao hơn nhiều so với các loại rau khác nên chúng ta phải cẩn thận trong lựa chọn khi chế biến món ăn cho trẻ em mắc bệnh ĐTĐ.

Đây cũng là lý do các loại khoai được phân vào nhóm thực phẩm giàu chất bột đường. Nếu bữa ăn có canh khoai tây, khoai mỡ hoặc các loại đậu bạn cần giảm bớt lượng cơm của trẻ.

Tuy nhiên, các loại đậu có nhiều chất đạm và nhiều chất xơ hòa tan vốn cần thiết cho trẻ em. Chất xơ hòa tan làm chậm quá trình tiêu hóa, vì vậy, nó giúp ngăn chặn sự tăng nhanh đường máu sau khi ăn.

Bạn có thể thêm đậu xay vào món bánh mỳ nguyên cám, đậu đen vào súp hoặc đậu gà vào món nui để đa dạng thêm món ăn một cách thú vị để trẻ thử ăn đậu.

Chất đạm

Nên chọn thịt gà nạc, thịt bò, thịt heo nạc để không bị tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa. Nên cho trẻ ăn cá ít nhất 3 ngày trong tuần. Cá cung cấp chất đạm, chứa chất béo chưa bão hòa nhiều nối đôi, nhiều vi chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của trẻ.

Các loại hạt cũng là những thực phẩm lành mạnh cho chế độ ăn của trẻ ĐTĐ. Các loại hạt không chỉ giàu chất đạm mà còn ít chất bột đường và là nguồn cung cấp chất xơ lành mạnh.

Đậu phụ được chế biến từ đậu nành là một nguồn bổ sung nguồn chất đạm thực vật tốt cho trẻ em mắc ĐTĐ. Đậu phụ chứa khoảng 1,1g chất bột đường trong 100g và không có cholesterol.

Trẻ em bị ĐTĐ vẫn nên ăn trứng vì ngoài chất đạm, trứng còn nhiều vitamin, chất khoáng và có lượng phospholipid cần thiết cho trưởng thành của hệ thống dây thần kinh.

Các loại ngũ cốc

Ngũ cốc là nguồn cung cấp chất bột đường chính cho cơ thể. Ngũ cốc cũng có chứa lượng chất xơ nhất định. Các loại ngũ cốc nguyên hạt, nguyên vỏ sẽ có nhiều chất xơ hơn ngũ cốc đã qua chế biến.

Nên cho trẻ ăn các loại ngũ cốc nguyên vỏ đạt trên 50% tổng lượng chất bột đường vì chúng chuyển hóa chậm nên vẫn cung cấp năng lượng nhưng không gây tăng nhiều đường huyết sau ăn.

Nên ăn gạo lức, nui, mỳ spageti, bánh mỳ nguyên cám, bún, phở…

Hạn chế cho trẻ ăn các món ăn có nhiều đường như kem, chè, bánh quy…

Kẹo ngọt

Trẻ em mắc ĐTĐ thường muốn ăn kẹo vì muốn được giống như những đứa trẻ khác. Nên giải thích cho trẻ hiểu việc hạn chế ăn kẹo vì kẹo sẽ làm tăng đường huyết không tốt cho sức khỏe.

Cũng cần dự phòng 1 vài cái kẹo mang theo khi trẻ chơi thể thao để tránh tình trạng hạ đường huyết.

Hoạt động thể chất và tập thể dục từ lâu đã được biết đến là có lợi cho những người mắc bệnh ĐTĐ nói chung và trẻ em nói riêng, giúp cải thiện lượng đường trong máu ngay lập tức và lâu dài, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, tăng cường sức mạnh và thể lực, trì hoãn hoặc ngăn ngừa bệnh đái tháo đường týp 2.

Luôn trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu có thắc mắc về thực phẩm nào thích hợp cho trẻ mắc bệnh ĐTĐ để kiểm soát lượng đường trong máu của trẻ, đảm bảo trẻ lớn lên khỏe mạnh.

BSCKII Đỗ Thị Ngọc Diệp (Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top