3 sai lầm khiến trẻ dễ mắc đái tháo đường

Bên cạnh đái tháo đường týp 1, xu hướng trẻ mắc đái tháo đường týp 2 cũng đang ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 10% trong tổng số những trẻ mắc đái tháo đường đến khám và điều trị tại khoa Thận - Nội tiết.

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi đồng 2, đái tháo đường týp 2 ở trẻ em thường chịu tác động nhiều của yếu tố môi trường, thừa cân béo phì dẫn đến nguy cơ đề kháng insulin. 

Dưới đây là 3 quan niệm sai lầm khiến trẻ dễ mắc đái tháo đường:

kham-tre-bi-dai-thao-duong.jpg
Xu hướng trẻ mắc đái tháo đường tuýp 2 đang ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 10% trong tổng số những trẻ mắc đái tháo đường đến khám và điều trị tại khoa Thận - Nội tiết.

Con cần ăn nhiều để cao

Chế độ dinh dưỡng quá dư thừa, đầy đủ, dễ dẫn đến tình trạng thừa cân - béo phì, đặc biệt trên trẻ có cơ địa có tiền căn gia đình đã từng có hội chứng chuyển hóa như đái tháo đường, cao huyết áp hoặc rối loạn chuyển hóa lipid; dẫn tới bé có thể xuất hiện đái tháo đường rất sớm, thay vì sau 40 tuổi.

Thai nặng cân mới dễ bị đái tháo đường

Người ta nhận thấy ở một số trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng bào thai, nguy cơ về sau em bé dễ mắc các bệnh lý về chuyển hóa như tăng huyết áp, đái tháo đường cao hơn những em bé được sinh ra có cân nặng bình thường.

Vì vậy các mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng để thai kỳ khỏe mạnh, tránh tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.

Đái tháo đường týp 2 ở trẻ liên quan đến di truyền nhiều hơn là đái tháo đường týp 1, nên những đứa con của bà mẹ có đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường cao hơn những đứa bé không có tiền căn gia đình.

Bệnh đái tháo đường chỉ gặp ở người trưởng thành

Khi biết con bị mắc đái tháo đường, nhiều phụ huynh đã sốc vì trẻ còn quá nhỏ.

Tuy nhiên, Khoa Thận - Nội tiết từng tiếp nhận những trường hợp trẻ nhỏ nhưng mắc cùng lúc cả 3 rối loạn chuyển hóa gồm đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ.

TS.BS Vũ Quỳnh khuyến nghị, mỗi độ tuổi của trẻ, mỗi bữa ăn cần có năng lượng thích hợp theo từng độ tuổi và cân bằng giữa các nhóm chất bột đường như cơm, bánh mì…(chiếm khoảng 50%), chất đạm (khoảng 15%), chất béo (khoảng 30%) còn lại là rau và trái cây tươi để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất…

Theo Đời sống
back to top