Cách chữa bệnh chỉ bằng việc uống nước được cho là của người Nhật Bản gồm 4 bước:
– Mỗi buổi sáng, trước khi đánh răng, uống ngay 640 ml nước ấm, sạch, không chứa fluorua.
– Đánh răng, súc miệng bình thường. Sau đó 45 phút, tuyệt đối không nên ăn uống bất cứ thứ gì.
– Sau 45 phút, bạn có thể ăn sáng như bình thường.
– Sau bữa ăn sáng, không ăn uống bất kỳ thứ gì trong khoảng 2 giờ sau đó. Không chỉ bữa ăn sáng, nguyên tắc này còn được áp dụng nghiêm ngặt sau bữa ăn trưa và tối.
Theo thông tin được chia sẻ, phương pháp chữa bệnh bằng cách uống nước khi bụng đói phải được thực hiện thường xuyên mới có tác dụng hiệu quả. Để khỏi bệnh lao, người bệnh cần thực hiện trong khoảng thời gian 90 ngày. Ngoài ra, biện pháp này còn được cho là có thể chữa khỏi cao huyết áp, tim mạch, thậm chí ung thư. Thông tin này khiến nhiều người kỳ vọng.
Tuy nhiên, nhiều năm gắn bó với bệnh nhân lao, bác sĩ Nguyễn Đức Thủy, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện 09 (Hà Nội) khẳng định: “Không có bất cứ cơ sở khoa học nào trong việc uống nước khi bụng rỗng có thể chữa khỏi bệnh lao. Người dân hoàn toàn không nên tin tưởng”.
Theo bác sĩ Thủy, bệnh lao cần phải chữa trị theo phác đồ cụ thể cho từng cá nhân. Với bệnh lao kháng thuốc, việc điều trị khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều tuy vẫn có thể kiểm soát.
Chuyên gia này cho biết việc uống nước ấm sau khi ngủ dậy là một thói quen tốt, đem lại những lợi ích nhất định. Tuy nhiên, việc uống nước không thể chữa khỏi căn bệnh lao như nhiều người lầm tưởng.
2 bệnh nhân nữ mắc bệnh lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: Justin Mott/The New York Times.
PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cũng tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin này. “Chúng tôi chưa từng nghe và biết tới nghiên cứu nào về việc uống nước có thể chữa khỏi lao”, PGS Phú khẳng định.
Theo các chuyên gia, lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới.
Năm 2016, nước ta có khoảng 126.000 người mắc lao, 13.000 người tử vong, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít chú ý.
Nhiều người dân còn chưa có ý thức đầy đủ về căn bệnh này. Tình trạng giấu bệnh và chữa trị sai cách rất nguy hiểm bởi làm tăng nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Những người không được phát hiện bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên tới 40% và vẫn tiếp tục là nguồn lây nhiễm bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.
Đặc biệt, bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc có những rào cản, khó khăn không thực hiện đầy đủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, rồi lại điều trị. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến bệnh lao vẫn tồn tại trên 130 năm.
Theo Zing.vn