Thực hư sữa bột trẻ em của Mỹ chứa chất độc

Một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ mới đây vừa công bố, có tới 80% sữa bột trẻ em dương tính với asen gây dị tật, nhiễm độc thần kinh và ung thư. Nhiều cha mẹ Việt cho con uống sữa Mỹ đang hoang mang. Vậy thực hư thông tin này như thế nào?

80% sữa bột dương tính với asen

Theo Thời báo Mỹ USA Today đã công bố nghiên cứu của một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Clean Label (Nhãn hiệu sạch) về tình trạng an toàn thực phẩm cho trẻ.

Theo nghiên cứu của tổ chức này, sau 5 tháng kiểm tra 530 mẫu thức ăn, sữa bột và nước uống trẻ em ở Mỹ, nhóm tác giả phát hiện 65% sản phẩm dương tính với asen, 36% có chì, 58% chứa cadmium và 10% nhiễm acrylamide. Đặc biệt, 80% mẫu sữa bột được kiểm nghiệm có chứa asen. Bên cạnh sữa bột, các loại thực phẩm trẻ em làm từ gạo cũng chứa nhiều asen. Trên thực tế, cây lúa dễ hấp thụ chất độc này nếu mặt đất bị ô nhiễm.

Liên quan tới sữa, trước đó, theo Hiệp hội Những người bạn của Trái Đất (FoEl), 6/6 mẫu sữa bột được đưa đến phòng thí nghiệm kiểm tra đều chứa hạt Nano. Tuy nhiên, trên nhãn thành phần sữa không hề có thành phần hạt Nano. Nano là những hạt rất nhỏ, ứng dụng trong công nghiệp thực phẩm làm phụ gia dinh dưỡng, hương liệu, các chất phụ gia tạo màu, chất chống đóng cứng, hay các thành phần kháng khuẩn…

Theo ý kiến của các nhà khoa học, thuộc tính để làm ra những hạt Nano này có thể gây ngộ độc cao và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, có thể gây ra các bệnh về phổi, ung thư biểu mô, ung thư phổi, gây tổn hại DNA, làm gián đoạn các chức năng của tế bào, có thể gây viêm đường tiêu hóa.

Các nhà nghiên cứu của Clean Label công bố kết quả kiểm tra trên trang web với hy vọng khuyến cáo các phụ huynh lựa chọn sản phẩm sạch, tốt cho con mình, đồng thời tạo ra sự thay đổi trong ngành kinh doanh thức ăn trẻ em.

Tuy nhiên, theo Peter Casell, phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ: “Người tiêu dùng cần hiểu rằng một số kim loại nặng như chì, asen ở trong môi trường và không thể dễ dàng lấy ra khỏi thực phẩm”.

Asen có trong sữa là hoàn toàn bình thường

Trước thông tin gây hoang mang dư luận, TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho hay, Tổ chức Clean Label không công bố một cách rõ ràng phương pháp nghiên cứu, cách chọn mẫu cũng như các thông tin khoa học khác liên quan đến dự án của họ.

Về cơ bản, tất cả các thông tin họ đưa ra đều dễ gây hoảng sợ cho công chúng, tuy nhiên giá trị khoa học của thông tin này không thể được kiểm chứng trừ khi họ công bố toàn bộ báo cáo của bộ số liệu.

Bảng kết quả nghiên cứu về tình trạng an toàn thực phẩm trẻ em ở Mỹ do Clean Label công bố.

Mặc dù họ quả thực có công bố bảng data trên trang web, nhưng việc liệt kê cách sản phẩm theo dạng “mẫu kiểm chứng + số thứ tự” mặc dù có thể đảm bảo được đạo đức nghiên cứu nhưng không có căn cứ để khẳng định độ chân thực của dữ liệu này vì họ không công bố hơn 500 sản phẩm họ nghiên cứu là những sản phẩm nào.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), asen có thể gây độc, nhưng nó là một thành phần tự nhiên của vỏ trái đất nên về cơ bản, nó có mặt ở khắp mọi nơi, do đó, việc có mặt trong các sản phẩm thực phẩm cho trẻ là hoàn toàn bình thường.

Cũng theo TS Trương Hồng Sơn, hiện Clean Label chưa cung cấp bất cứ một bằng chứng khoa học nào rõ ràng liên quan đến asen có trong các sản phẩm cho trẻ mà mới chỉ đưa ra những con số “gây sốc” và dễ gây hiểu lầm đến người đọc. Kết quả công bố này cũng không đề cập asen là hữu cơ hay vô cơ, trong khi những tác hại chủ yếu cho sức khỏe con người lại đến từ asen vô cơ.

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, asen hữu cơ được đào thải ra khỏi cơ thể nhanh và ít độc tính hơn nhiều so với asen vô cơ. Vì vậy, cần có thông tin cụ thể về asen hữu cơ hay vô cơ trong từng loại thực phẩm. Phần lớn những số liệu quan sát chỉ báo cáo chỉ số asen toàn phần (tAS) mà không phân biệt hàm lượng các loại asen khác nhau vì asen vô cơ và hữu cơ thường tồn tại lẫn lộn trong thực phẩm.

Mặc dù cá và hải sản là nhóm thực phẩm có lượng asen toàn phần cao hơn ngũ cốc, thịt, rau củ… nhưng lượng asen vô cơ lại ở mức thấp, không đáng lo ngại. Vì vậy, việc công bố sữa bột có asen nói trên, người tiêu dùng không đáng lo ngại.

Tuyết Vân

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top