Công thức sữa nào chuẩn?

Trước hàng trăm loại sữa công thức na ná nhau, không biết chọn loại nào nên nhiều cha mẹ cứ tặc lưỡi “đắt tiền là tốt”. Nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, không có loại sữa nào hoàn hảo hay thích hợp cho mọi trẻ. Và việc chia nhỏ độ tuổi chỉ là “chiêu” đa dạng hóa sản phẩm của các hãng sữa.

Không có loại sữa nào hoàn hảo

TS Hoàng Kim Thanh, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chọn mua sữa cho con cần căn cứ vào thành phần dinh dưỡng, độ tuổi, thể trạng hiện tại của trẻ. Định kỳ, các bậc cha mẹ nên cho con đi khám dinh dưỡng để được tư vấn dùng sữa nào phù hợp cho con. Bởi chế độ dinh dưỡng cho trẻ căn cứ vào trẻ đang thừa cân, suy dinh dưỡng, cao hay thấp, có mắc bệnh thiếu máu hay rối loạn hormon tăng trưởng…

Sữa bò và sữa mẹ tuy có những chất tương đồng nhưng công thức trong sữa lại khác nhau, do đó, để có thể hợp với nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, các nhà khoa học đã phải nghiên cứu và tìm tòi để tìm ra cách pha chế sữa. Vì vậy, sữa bột cho trẻ gọi là “sữa công thức”.

Để tìm hiểu xem thành phần sữa có phù hợp với con mình không, các cha mẹ căn cứ vào “công thức” trong bảng so sánh nồng độ các chất giữa sữa bò, sữa mẹ và sữa công thức của các nhà khoa học nghiên cứu. Dựa vào bảng này, khi chọn sữa sẽ biết được liệu sản phẩm đó có phù hợp với con mình hay không. Tuy nhiên, mỗi hãng sữa lại có những ưu nhược điểm riêng.

 Bảng so sánh nồng độ các chất giữa sữa bò, sữa mẹ và sữa công thức.

Ví dụ, sữa Glico (Nhật Bản) nhiều đạm, đặc hơn các sữa khác, giúp trẻ tăng cân nhanh nhưng dễ khiến bé nóng trong, khó tiểu, táo bón… (do nhiều đạm). Sữa Dielac Alpha step1 (Vinamilk, Việt Nam) giá hợp lý, bình dân, thành phần cũng phù hợp với trẻ Việt nhưng hơi ngọt, sẽ khó kết hợp với trẻ đang bú sữa mẹ hoặc quen sữa nhạt.

Sữa Aptamil HAPre (nhập khẩu từ Anh) thì ít tăng cân, chủ yếu có các dưỡng chất tập trung phát triển trí não và mát, tốt cho hệ tiêu hóa nên thích hợp với trẻ thừa cân béo phì. Sữa XO (Hàn Quốc) tốt cho sự vận động và tăng trưởng của trẻ nhưng mùi tanh, khó uống hơn các loại sữa khác.

Sữa Similac (Mỹ) có giá đắt và dễ gây táo bón vì hàm lượng đạm cao. Chỉ dùng sữa này khi bé trên 6 tháng tuổi và phải kết hợp uống nước hoa quả, ăn sữa chua, đề phòng bị táo bón. Do vậy, trường hợp con chị Bình trên 6 tuổi nhưng dùng sữa cho trẻ từ 3 – 6 tuổi thì  cũng không ảnh hưởng gì nhưng không hẳn là phù hợp với thể trạng của trẻ.

Chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất

Trước băn khoăn của chị Nguyễn Thị Ngọc Bình về việc các công thức sữa của Abbott từ 3 – 6 tuổi và trên 6 tuổi tương tự như nhau, PGS.TS Nguyễn Công Khẩn, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, theo tiêu chuẩn cột dinh dưỡng sữa của Viện Dinh dưỡng Quốc gia thì phác đồ sữa dành cho trẻ chia theo các giai đoạn: Từ 0 – 6 tháng, 6 – 12 tháng, từ 1 – 3 tuổi, 4 – 6 tuổi, 7 – 9 tuổi, 9 – 12 tuổi, từ 12 tuổi trở lên trẻ có thể uống sữa như người lớn.

Tuy nhiên, ở mỗi một quốc gia, tùy tình trạng dinh dưỡng, môi trường… mà các hãng sữa có những công thức khác nhau và chia theo phác đồ khác nhau. Sữa dành cho trẻ từ 1 – 3 tuổi có thể hoàn toàn giống nhau ở các thành tố đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất.

Trẻ trên 6 tuổi có thể uống sữa của trẻ giai đoạn từ 1 – 3 hoặc 4 – 6 tuổi nhưng trẻ 1 – 3 tuổi không nên uống sữa của trẻ trên 6 tuổi bởi sự khác biệt về hoàn thiện hệ thống tiêu hóa, nhu cầu dinh dưỡng.

Thành phần dinh dưỡng trong các sản phẩm sữa công thức na ná nhau khiến các mẹ bối rối khi lựa chọn.

Việc các nhà sản xuất chia nhỏ các dòng sữa chỉ là “chiêu trò” đa dạng hóa sản phẩm để cùng một sản phẩm tương tự nhưng tăng được giá bán cao hơn (sữa cho trẻ càng nhỏ thì giá càng cao).

Để thu hút khách hàng cũng như đa dạng hóa sản phẩm, các hãng sữa chỉ gia giảm thêm bớt một vài chất với hàm lượng nhỏ rồi quảng cáo, thế nên khi so sánh ta thấy về cơ bản, thành phần dinh dưỡng ở các sản phẩm cùng một hãng không khác nhau là mấy.

Và do tầm quan trọng sức khoẻ của trẻ nhỏ nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có những quy định chặt chẽ bắt buộc nhà sản xuất sữa công thức phải tuân theo. Vì vậy, các công thức sữa của các hãng tuy ở những quốc gia khác nhau, nhưng thành phần dinh dưỡng về cơ bản cùng tuân theo những quy định của WHO nên người mua sẽ thấy na ná nhau.

Nhóm PV Y tế

Theo Đời sống
back to top