Đa dạng dinh dưỡng
Trước băn khoăn của độc giả trong việc thành phần sữa công thức na ná nhau, chọn ngoại hay nội, trẻ 6 tuổi có uống được sữa 3 tuổi…
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, khi lựa chọn sữa, các cha mẹ cần căn cứ theo lứa tuổi, tình trạng dinh dưỡng và khẩu vị. Trẻ dưới 6 tháng thì cần hàm lượng giống sữa mẹ nên phải chọn sữa dành cho trẻ 6 tháng tuổi. Từ 6 – 24 tháng nên cho trẻ sử dụng sữa bột vì hàm lượng dinh dưỡng trong sữa cao. Còn từ 24 tháng trở lên thì căn cứ theo tình trạng dinh dưỡng của trẻ.
Nếu trẻ suy dinh dưỡng thì tiếp tục cho dùng sữa bột công thức. Trẻ đạt chuẩn dinh dưỡng thì chuyển sang dùng sữa nước để tránh thừa cân béo phì.
Chọn sữa công thức cũng phải căn cứ theo khẩu vị của trẻ.
Các bậc cha mẹ lựa chọn sữa cũng phải căn cứ theo nhu cầu khẩu vị của mỗi đứa trẻ. Giống như khẩu vị của người lớn, có trẻ thích loại này, có trẻ thích loại khác. Vì vậy, khi mua sữa nên mua hộp nhỏ, cố gắng mua nhiều loại sữa khác nhau để trẻ trải nghiệm khẩu vị và đa dạng đầy đủ dinh dưỡng.
Không có 1 loại sữa nào là tốt nhất và uống mãi một loại sữa cũng không tốt. Cũng không phải cứ sữa ngoại là tốt. Sữa ngoại pha chế cho trẻ nước ngoài, không thiếu máu nên thành phần dinh dưỡng không phải cho thêm sắt vào. Còn trẻ Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu cao nên khi tư vấn xây dựng công thức sữa cho trẻ, chúng tôi đã khuyến nghị bổ sung thêm sắt cho phù hợp với thể trạng trẻ Việt.
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn, mỗi một sản phẩm sữa công thức của mỗi hãng lại có một ưu thế riêng nên không phải sữa Việt Nam thì thua sữa ngoại. Quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải đọc nhãn.
Đối với trẻ con, chọn sữa cần phải quan tâm đến các chỉ số cơ bản gồm: Năng lượng (Energy), sắt (Fe), vitamin A, vitamin D, canxi (cancium), vitamin K… Theo quy định thì thường 100ml pha ra phải đạt trên 75kcal. Với trẻ em béo phì thừa cân thì chọn sữa có chỉ số năng lượng thấp nhưng bổ sung vi chất. Trẻ suy dinh dưỡng thì tập trung dòng sữa có độ đạm cao.
Trang bị kiến thức đọc nhãn
TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, đọc và hiểu đúng nhãn mác để chọn sản phẩm phù hợp với mục đích sử dụng là thói quen cần có đối với mỗi người tiêu dùng. Các bậc cha mẹ khi chọn mua sữa cho con cần trang bị kiến thức đọc nhãn mác bao bì thực phẩm để biết được sữa nào phù hợp với con mà lựa chọn.
Khi cầm hộp sữa phải đọc kỹ đối tượng sử dụng, thành phần dinh dưỡng. Các thành phần dinh dưỡng ghi trên bao bì thực phẩm thường là tỷ lệ chất đạm, đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Cha mẹ cần để ý các tên gọi khác nhau của một thành phần: Chẳng hạn trên nhãn không ghi có đường (sugar) nhưng lại có ghi mật, hoặc không ghi chất đạm mà là protein… hay không gọi bột ngọt mà là natri glutamat hay monosodium glutamate…
Đặc biệt, những trẻ ăn kiêng, bị dị ứng hoặc có bệnh lý phải ăn theo chế độ riêng càng cần kiểm tra kỹ thành phần. Hầu hết các hãng sữa đều có bổ sung vi chất, cha mẹ cũng nên xem có phù hợp với nhu cầu sử dụng không; lượng calo trên một khẩu phần ăn đã thích hợp chưa; cách bảo quản; ngày sản xuất; hạn sử dụng; tên, địa chỉ nhà sản xuất; tiêu chuẩn, cấp phép, mã vạch.
Với trẻ lớn, thừa cân, các bậc cha mẹ có thể cho con chuyển sang dùng sữa nước để tránh béo phì.
Mặt khác, theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, trong sữa nào cũng có axit Linoleic và axit Linolenic, khi vào cơ thể trẻ sẽ tạo ra DHA và ARA nên nếu trong sữa không có ghi bổ sung DHA hay ARA thì các cha mẹ cũng không phải lo trẻ thiếu chất.
Các loại sữa thành phần các chất dinh dưỡng cơ bản là như nhau nên chọn sữa nên cần chú ý những thành phần tăng sức đề kháng tối ưu, cải thiện hệ miễn dịch và tiêu hóa còn non nớt của trẻ như Lactoferrin, Bifidus…
Các dưỡng chất thông minh như DHA, ARA, Choline… chỉ giúp cho các yếu tố di truyền phát triển tối đa mà thôi. Không phải cứ bổ sung các dưỡng chất thông minh là trẻ sẽ thông minh. Để tránh hàng giả, kém chất lượng, nên mua sữa chính hãng.
Nhóm PV Y tế