Nên dùng sữa hằng ngày
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, sữa là thực phẩm cần thiết, nhất là đối với trẻ em, người cao tuổi, người bệnh, phụ nữ mang thai… Về giá trị dinh dưỡng, sữa cung cấp năng lượng, nhiều vitamin (A, D, B…), vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, như: can xi, ma giê, phốt pho, kẽm…, carbohydrat, chất béo giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể…
“Sữa là thực phẩm dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, dễ mang theo sử dụng. Ít có thực phẩm nào mà bản thân nó có đầy đủ các vitamin và khoáng chất như sữa”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp nói.
Hiện nay, các sản phẩm sữa còn được sản xuất bổ sung các thành phần dưỡng chất, vitamin… phù hợp cho từng nhu cầu sử dụng như: phát triển ở trẻ nhỏ; phụ nữ mang thai; người bệnh, người cao tuổi… Và, công nghệ sản xuất, quy trình vận chuyển, bảo quản sữa ngày càng hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh, sữa là thực phẩm giúp cải thiện tầm vóc, tình trạng sức khỏe và phát triển trí tuệ. Do vậy, chương trình sữa học đường đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, VN cũng bắt đầu thực hiện gần đây. “Các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các hội dinh dưỡng trên thế giới đều khuyên nên dùng sữa hằng ngày”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết.
Theo bác sĩ Ngọc Diệp, cần chọn sữa phù hợp với lứa tuổi, tình trạng dinh dưỡng sức khỏe. Cụ thể, theo lứa tuổi: nhóm trẻ dưới 6 tháng; trên 6 tháng đến 12 tháng; trên 12 tháng; trên 2 tuổi… (đã có hướng dẫn của từng loại sữa công thức, nếu sữa mẹ không đáp ứng đủ); lứa tuổi học đường (từ 6 tuổi trở lên) có thể dùng sữa như người trưởng thành (nguyên kem, nguyên kem có bổ sung vi chất dinh dưỡng); từ 40 tuổi trở lên nên dùng sữa tách béo, không đường, có bổ sung can xi và một số vi chất dinh dưỡng.
Phụ nữ mang thai có thể dùng các loại sữa, nếu có điều kiện thì dùng loại dành cho phụ nữ mang thai… Còn theo tình trạng dinh dưỡng sức khỏe: với người thừa cân, béo phì có thể dùng bất kỳ sữa nào nhưng chọn sữa không đường, tách béo; người suy dinh dưỡng chọn sữa có năng lượng cao, nhiều chất béo, nhiều vi chất dinh dưỡng; với người bệnh đái tháo đường thì có loại sữa dùng riêng…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với trẻ nhỏ nói chung, nên cho dùng loại sữa không đường, đừng tập thói quen trẻ dùng các sản phẩm thực phẩm chứa nhiều đường dễ đưa đến thừa cân, béo phì… về sau.
Một số biểu hiện thông thường có thể gặp
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, những người lần đầu uống sữa, hoặc ngưng dùng sữa một thời gian, khi dùng lại có thể gặp một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như: đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy (có thể nhẹ), có thể đau bụng nhẹ. Đây là điều bình thường, khi gặp những biểu hiện trên, không có gì lo ngại. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, 80 – 90% người châu Á thiếu hụt men lactaza (men giúp chuyển hóa đường lactose có trong sữa) nên cũng bị tình trạng rối loạn tiêu hóa nhẹ như trên khi dùng sữa.
Phương cách khắc phục ở những người này là: tập uống sữa hằng ngày từ bé (để tạo ra loại men nói trên cho cơ thể); dùng những loại sữa không có đường lactose hay sữa chua. Người ngưng dùng sữa, sau đó dùng lại nếu có biểu hiện trên thì dùng lượng từ ít đến nhiều…
Sữa là thực phẩm thiết yếu, nên sử dụng hằng ngày; nên cho trẻ dùng từ khi còn bé, để giúp cải thiện về chiều cao, sức khỏe…
Theo Khánh Vy (Thanh Niên)