Thực hư cách chữa bệnh bằng nước bọt

(khoahocdoisong.vn) - Bà Nguyễn Phương Anh, đại diện cho nhóm tập dưỡng sinh ở Giảng Võ, Hà Nội thắc mắc với KH&ĐS về các môn dưỡng sinh đều có các bài tập nuốt, súc miệng nước bọt khác nhau để chữa rất nhiều bệnh. Nhiều người còn nhai thực dưỡng cho người bệnh ăn để lấy "ngọc dịch" chữa bệnh. Vậy công dụng thực sự của nước bọt là và cách dùng nước bọt sao cho tốt nhất?

Nước bọt là dòng suối của dưỡng sinh

DS Trần Xuân Thuyết, nguyên cán bộ Công ty  Dược liệu T.Ư 1 cho biết, súc miệng, nuốt ngọc dịch (súc miệng thật mạnh 3 - 4 cái rồi nuốt hết nước bọt (nhẩm 1 chữ, 2 câu chú) là một trong những bài tập nâng cao khí lực. Thực tế thì các môn dưỡng sinh đều có bài tập sử dụng nước bọt để nâng cao sức khỏe, phòng trừ bệnh tật. Muốn có ngọc dịch (nước bọt tốt) thì trước khi ngủ tối  phải chải răng cho thật sạch, rồi súc miệng thật kỹ bằng nước muối.

Theo DS Trần Xuân Thuyết, thành phần nước bọt gồm: Nước (99%), chất hữu cơ, chất vô cơ (K+, Na+, HCO3-, Cl-). Các loại enzym: alpha-amylase (EC3.2.1.1), lysozyme (EC3.2.1.17) và lingual lipase (EC3.1.1.3). Dịch nhờn  trong nước bọt gồm có mucôplysaccharide và glycoprotein; Các chất kháng khuẩn: thiocyanate, hydrogen peroxit, và kháng thể IgA. Nước bọt còn giúp giữ chất ngà cho răng nên có tác dụng bảo vệ răng...

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, nhiều nhà dưỡng sinh đời xưa đã rất quan tâm đến công dụng của nước bọt và chú trọng vận dụng phương pháp “dưỡng sinh nước bọt” làm tăng tuổi thọ như Hoàng Phổ Long đời Tam Quốc, Lưu Kinh đời tiền Hán, Vương Chất đời Tấn (Trung Quốc)... mà nhờ đó đều sống đến hơn trăm tuổi. Các vị này đều coi “nước bọt là một dòng suối của dưỡng sinh”. 

Theo dược học cổ truyền, nước bọt vị mặn, tính bình, không độc, là một loại tân dịch hình thành bởi sự kết hợp tinh tuý nhất giữa nước và ngũ cốc, có công dụng nhuận ngũ tạng, bổ não ích tuỷ, làm tăng nguyên khí ở đan điền, tăng tân dịch, giải độc trừ tà, làm sáng mắt, mềm da, thông khiếu và kéo dài tuổi thọ, thường được dùng để bồi bổ tạng phủ, chữa mụn nhọt sưng đau, ghẻ lở, phỏng da, phá các màng mộng, giải độc... Y thư cổ viết: “Nước bọt nhiều, ngậm trong miệng và nuốt đi có thể nhuận ngũ tạng, làm đẹp da, làm con người trường sinh bất lão”.

Không thể chữa bách bệnh

ThS Hoàng Khánh Toàn cho biết, theo nghiên cứu hiện đại, mỗi ngày mỗi người tiết ra khoảng 1.000 - 1.500ml nước bọt. Thứ dịch này tuy được đánh giá có nhiều tác dụng: Hàng rào diệt vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, giúp tiêu hóa thức ăn... nhưng không thể chữa bách bệnh như mọi người đồn thổi.

Đặc biệt, tuyệt đối không nên thực hiện phương pháp “nhai thực dưỡng” mớm cho người bệnh ăn bởi có thể làm lây truyền vi sinh vật gây bệnh có trong nước bọt. Đặc biệt, nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, mắc bệnh suy giảm miễn dịch.

Chẳng hạn, virus viêm gan A và E tồn tại trong nước bọt. vi khuẩn não mô cầu khu trú ở vùng mũi, họng, bệnh lỵ amip, nhiễm vi khuẩn HP, hoặc virus Epstein-Barr (EBV) gây bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn.. khi nhai mớm cơm lại khiến vi khuẩn theo nước bọt lây sang cho bệnh nhân ...

 Để phát huy cao nhất tác dụng của nước bọt, theo cổ nhân, có thể thực hành theo hai cách:

Luyện công súc miệng: Miệng mím, răng nghiến, dùng hai má và lưỡi làm động tác như súc miệng, súc 36 lần. Khi trong mồm có nhiều nước bọt thì chia làm 3 lần nuốt từ từ, trong khi nuốt tưởng tượng nước bọt được đưa tới đan điền (vùng dưới rốn). Thông thường, lúc mới tập nước bọt còn ít, luyện nhiều thì lương nước bọt sẽ tăng lên. Bài ca bí quyết luyện công súc miệng là: “Luyện công súc miệng dịch tự sinh, súc 36 lượt chớ đừng quên, bước này có thể trừ bệnh thận, huyết mạch lưu thông, thọ niên trường”.

Theo Đời sống
back to top