Sáng 27/11, tại cuộc họp về nhập khẩu và sản xuất văcxin ngừa Covid-19, thuốc điều trị Covid-19 trong nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ “Zero Covid-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Vì vậy, văcxin ngừa Covid-19 có tính chất quyết định, cộng với ý thức người dân là rất quan trọng.
Bộ Y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia đã vào cuộc tích cực, chủ động trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất văcxin và thuốc điều trị trên tinh thần nhân đạo, trị bệnh cứu người.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sản xuất bằng được văcxin, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam.
Tuy nhiên cũng cần tránh khuynh hướng chủ quan, nóng vội cũng như trì trệ, bảo thủ vì đây là công việc rất cần thiết, liên quan đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Việt Nam hiện đang nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng văcxin với 6 ứng viên văcxin: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, văcxin do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.
Việt Nam đang sử dụng một số thuốc điều trị đặc hiệu như Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu khác… cũng đang được nghiên cứu.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 26/11, trên thế giới có 326 loại văcxin đang được nghiên cứu, trong đó 132 loại đang được thử nghiệm lâm sàng bằng các công nghệ khác nhau.
24 loại văcxin đã được phê duyệt sử dụng ở các nước, trong đó có 8 loại được WHO cấp phép.
Tại Việt Nam, có 9 loại văcxin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Bộ Y tế cũng đang hướng dẫn các đơn vị đăng ký chuyển giao công nghệ sản xuất văcxin Covid-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ…
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã gửi cho WHO thư giới thiệu các đơn vị nghiên cứu, sản xuất văcxin của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA của WHO.