Hỏi: Tôi đi làm răng nhưng rất ngạc nhiên là tại sao đều là răng sứ nhưng có loại là titan, kim loại cao cấp? Khi làm răng lại phải thử sườn răng, thử răng rồi mới lắp. Tại sao phải làm như vậy?
Đỗ Thị Thắm (Hà Nội)
PGS.TS Phạm Như Hải, nguyên Trưởng khoa Răng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba: Răng sứ là giải pháp phục hình răng phổ biến nhất giải quyết các trường hợp răng bị mất, sứt mẻ, mọc lệch lạc, mọc thưa hay bị nhiễm tetracycline... Mỗi ca điều trị phục hình răng sứ đều thông qua một quy trình đặc biệt để đạt được kết quả thẩm mỹ cao nhất sau điều trị.
Răng sứ được cấu tạo thông thường bởi 2 lớp: Lớp bên trong (còn gọi la sườn) ôm sát cùi răng được làm bằng các nguyên liệu khác nhau (titan, kim loại cao cấp, sứ zirconia), lớp bên ngoài được phủ bằng sứ tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ cho hàm răng. Đối với một chiếc răng sứ thì lớp sườn đúc (lớp bên trong) rất quan trọng nếu không khít sát với cùi răng thì qua quá trình ăn nhai, răng sứ có thể bị sút ra. Đồng thời, răng bên trong có thể bị sâu do đọng thức ăn và bị ê buốt do nước, thức ăn lọt vào, lâu ngày sẽ gây chết tủy vì rất khó phát hiện kiểu sâu răng này. Vì vậy, khi làm răng sứ buộc phải có giai đoạn thử sườn để kiểm tra độ khít sát này.