Theo các nhà khoa học, có nhiều yếu tố gây béo phì, bao gồm di truyền, căng thẳng, virus và những thay đổi trong thói quen ngủ. Gần đây xuất hiện một quan điểm đáng chú ý, chính môi trường sống của chúng ta gây ra bệnh béo phì.
Sự hiện diện tràn lan của các chất hóa học - ngay cả ở liều lượng rất thấp - có thể làm rối loạn hoạt động bình thường của quá trình trao đổi chất ở người, rối loạn cơ thể và khả năng điều chỉnh năng lượng nạp vào và tiêu thụ. Hóa chất này được gọi là "obesogens", trực tiếp thúc đẩy sản xuất các loại tế bào mô mỡ cụ thể có liên quan đến bệnh béo phì.
Những hóa chất này xuất hiện nhiều trong sản phẩm cơ bản nhất của cuộc sống hiện đại, bao gồm bao bì nhựa, quần áo và đồ nội thất, mỹ phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu.
Điều đáng nói, hậu quả của việc tiếp xúc với hóa chất có thể không xuất hiện trong suốt cuộc đời của một sinh vật bị phơi nhiễm, mà có thể được truyền lại cho con cháu, thậm chí vài thế hệ sau.
Một ví dụ điển hình là Tributyltin (TBT), một hóa chất được sử dụng trong chất bảo quản gỗ và những thứ khác. Trong các thí nghiệm cho chuột tiếp xúc với mức TBT thấp và an toàn, các nhà khoa học nhận thấy sự tích tụ chất béo tăng lên đáng kể trong 3 thế hệ chuột tiếp theo.
TBT và các obesogens khác gây ra những tác động như vậy bằng cách can thiệp trực tiếp vào quá trình sinh hóa bình thường của hệ thống nội tiết, điều chỉnh việc lưu trữ và sử dụng năng lượng, cũng như hành vi ăn uống của con người.
Đại dịch béo phì có thể sẽ diễn tiến tồi tệ hơn, trừ khi chúng ta có thể tìm cách loại bỏ những hóa chất đó ra khỏi môi trường, hoặc xác định những chất có vấn đề nhất và giảm đáng kể sự tiếp xúc của con người với chúng.