Thổ Nhĩ Kỳ nhận lô hàng S-400 đầu tiên, Washington tìm kế đối phó

(khoahocdoisong.vn) - Ngày 12.07.2019, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiếp nhận lô hàng đầu tiên của hệ thống phòng không S-400, bất chấp những áp lực nặng nề từ phía Washington muốn buộc Ankara hủy bỏ hợp đồng mua sắm vũ khí với Nga.

Những hợp phần đầu tiên của hệ thống vũ khí phòng không đã đến sân bay quân sự Murted, ngoại ô thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trong một tuyên bố ngắn. Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định, lô hàng đầu tiên đã được chuyển đi, những lô hàng sau sẽ tiếp tục giao như dự kiến.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng chuyển giao bốn khẩu đội tên lửa phòng không S-400 năm 2017. Hợp đồng mua vũ khí Nga khiến Ankara gặp rất nhiều rắc rối và áp lực từ phía Washington.

Mỹ phản đối quyết liệt thỏa thuận này, tuyên bố mua vũ khí phòng không do Nga sản xuất làm suy yếu hệ thống an ninh NATO và chống lại lợi ích của nước Mỹ.

Gây sức ép buộc Ankara hủy bỏ hợp đồng với Nga, Mỹ đình chỉ chuyển giao máy bay tiêm kích tàng hình F-35 thế hệ 5 đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 08.2019, Lầu Năm Góc cho biết có kế hoạch loại bỏ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình F-35, sẽ bắt đầu vào ngày 31.07.2019.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ trong cuộc phỏng vấn với Reuters tuyên bố Ankara phải nhận cú đúp “hậu quả” tồi tệ cho nền kinh tế, nếu quốc gia này tiếp tục duy trì thỏa thuận S-400 với Moscow.

Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần bác bỏ các lời kêu gọi từ phía Mỹ, Ankara tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia độc lập, có quyền tự do chọn các nước mà chính phủ thấy cần mua vũ khí. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, việc loại bỏ Thổ Nhĩ kỳ ra khỏi chương trình F-35 được coi là một vụ cướp quốc tế, vì ngay từ khi bắt đầu chương trình, Ankara đã đầu tư một khoản tài chính vào dự án này.

Hiện nay, Washington cũng cố gắng ngăn chặn Ấn Độ mua sắm S-400. New Delhi đạt được thỏa thuận mua hệ thống tên lửa với Moscow vào tháng 10.2018. Các quan chức Ấn Độ đang tìm kiếm thỏa thuận với Mỹ, để Ấn Độ có thể mua vũ khí mà không vi phạm lệnh trừng phạt của Washington với Moscow.

Subrahmanyam Jaishankar, bộ trưởng ngoại giao của Ấn Độ, phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ, Mike Pompeo tháng 06.2019: “Sau cùng, chúng tôi sẽ làm tất cả những gì vì lợi ích quốc gia của chúng tôi”.

Lô hàng trang thiết bị đầu tiên của hệ thống tên lửa phòng không S-400 đến Thổ Nhĩ Kỳ. Video RT

Khi Thổ Nhĩ Kỳ công bố video và những bức ảnh về việc Nga chuyển giao hệ thống phòng không S-400, các nhà lập pháp Mỹ ngay lập tức yêu cầu Washington thực hiện các biện pháp trừng phạt Ankara, nhưng Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ im lặng một cách kỳ lạ.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel (D-New York) và nghị sĩ có uy tín đảng Dân chủ Michael McCaul (R-Texas) phản ứng dữ dội với việc chuyển giao S-400, tuyên bố  Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.

Cả hai đều tuyên bố: “Tổng thống Erdogan đã có lựa chọn rất rõ ràng. Thật không may, ông ta đã lựa chọn sai. Một đồng minh NATO đã lựa chọn đứng về phía Nga và Vladimir Putin trong khi là thành viên Liên minh quân sự và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, đó là điều khó có thể hiểu được”. 

Họ yêu cầu chính quyền Trump chấm dứt việc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35, xử phạt các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ làm ăn với khu vực phòng thủ Nga.

Theo Đạo luật chống lại các đối thủ Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt (CAATSA), được thông qua năm 2017, bỏ qua những phản đối của Tổng thống Donald Trump, Mỹ phải xử phạt các quốc gia mua các loại vũ khí của Nga.

Nhưng, những yêu cầu của các nhà lập pháp dường như rơi vào thinh không ở Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao. Bộ Quốc phòng Mỹ chỉ cho biết rằng vấn đề S-400 được đề cập đến trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Lầu Năm Góc trong một thời gian dài không thực hiện các cuộc họp báo trực tuyến truyền hình - camera. Báo chí đã vô cùng phấn khích khi nghe đồn Bộ Quốc phòng có  kế hoạch tương tự vào ngày 12.07.2019, hy vọng cuộc họp báo trực tuyến sẽ giải đáp nhiều vấn đề, nhưng cuộc họp báo trực tuyến đã bị hoãn vô thời hạn.

Washington đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn khi tiến hành các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, nguyên nhân là Liên minh Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ  chống Liên Xô có trước khi thành lập NATO. Nhưng cuộc đảo chính quân sự tháng 07.2016 làm hỏng tất cả. Tổng thống Erdogan cáo buộc người đứng sau cuộc binh biến này là một giáo sĩ, đang sống ở Mỹ dưới sự bảo vệ của CIA và quyết định thay đổi quan hệ với Nga, đàm phán mua S-400, biện minh cho hành động này là Mỹ dã rút các khẩu đội tên lửa Patriot khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đáp trả những đe dọa của Mỹ về việc sẽ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35, tuyên bố sẽ hủy bỏ các điều khoản của thỏa thuận sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35. Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của tập đoàn đa quốc gia phát triển và sản xuất các bộ phận cho máy bay phản lực tàng hình F-35 và dự kiến sẽ mua 100 chiếc. Loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình gây tác động tiêu cực đến sản xuất, gia tăng chi phí cho chiếc F-35 vốn đã có giá thành quá cao.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã trở thành cú giáng chí mạng vào NATO - hệ thống Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu. Từ thời điểm này, Mỹ sẽ không còn là nhà thống trị vũ khí trang bị, cung cấp cho các quôc gia đồng minh, hay cho phép các đồng mình của mình sản xuất theo giấy phép hoặc sự đồng ý của Mỹ.

Sự rạn nứt này sẽ đẩy Washington đối mặt với một thực tế, hoặc Mỹ sẽ phải có giải pháp cạnh tranh lành mạnh hơn để giành lại vị thế lãnh đạo quyền lực trong lĩnh vực vũ khí – địa chính trị, hoặc sẽ phải liều lĩnh thúc đẩy một cuộc “cách mạng màu” khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong nhiều tình huống, khả năng thứ 2 thường được Mỹ sử dụng để giành lại vị trí thống trị của mình. Nhưng trong trường hợp thất bại, liên minh NATO sẽ tan vỡ. Do đó, có nhiều khả năng Mỹ sẽ lựa chọn một giải pháp trung dung tạm thời, với các biện pháp trừng phạt nhẹ nhàng, vẫn cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mua và tham gia chương trình F-35 để đợi thời cơ tiến hành một cuộc thay đổi thể chế và tiêu diệt S-400, duy trì liên minh quân sự NATO và gây sức ép lên biên giới Nga. Nhưng đây là một kế hoạch nhiều năm.

Theo Theo TGO
back to top