Chất đạm là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tái tạo tất cả các mô cơ thể, tham gia vào các hoạt động điều hòa chuyển hóa và tiêu hóa, sản xuất kháng thể và tạo cảm giác ngon miệng. Theo TS. BS. Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng QG, trẻ em và người trưởng thành nói chung cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật từ các loài gia súc, gia cầm, hải sản và đạm thực vật từ các loại đậu, đỗ.
Các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gút sau này do có chứa nhiều cholesterol, nhân purin, vì vậy không nên ăn nhiều. Nên tăng cường ăn thịt gia cầm như gà, vịt, ngan, chim…và ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần.
Các loại cá nhỏ nấu nhừ ăn cả xương, tôm và tép ăn cả vỏ và cua là nguồn cung cấp canxi tốt cho cơ thể. Các loại hạt đậu, đỗ cũng là nguồn đạm thực vật tốt, cung cấp một số axit amin thiết yếu mà đạm động vật thường có ít. Mỗi người trưởng thành có mức lao động trung bình nên ăn 5-6 đơn vị ăn thực phẩm giàu đạm mỗi ngày. Mỗi đơn vị ăn tương đương 4 miếng thịt lợn (31g), nửa khúc cá (35g) , một quả trứng (47g), một bìa đậu phụ (58g).
Đối với trẻ em, không nên cho trẻ em ăn quá nhiều chất đạm mặc dù chất đạm là cần thiết. Khi ăn quá nhiều đạm có thể gây gánh nặng cho trẻ, nhất là khi trẻ uống thiếu nước. Các sản phẩm chuyển hóa trung gian của lượng đạm dư thừa sẽ gây độc hại cho cơ thể. Theo tháp dinh dưỡng, đối với trẻ từ 6-11 tuổi thì lượng thịt, thủy sản, trứng và các hạt giàu đạm chỉ nên ăn từ 4-6 đơn vị. Khi không có điều kiện chế biến nhiều loại món ăn trong một ngày thì có thể tính lượng đạm của trẻ như sau: Cứ 100g thịt nạc tương đương với 150g cá hoặc tôm, 200g đậu phụ, 2 quả trứng vịt hoặc 3 quả trứng gà.