Thảo dược trị tiêu chảy

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh tiêu chảy là do tình trạng phân quá lỏng gây nên. Bình thường trong phân chứa 75- 80% là nước, nhưng nếu lượng nước vượt quá 85% được coi là bệnh tiêu chảy.

Có một số nguyên nhân gây tiêu chảy gồm các vi khuẩn truyền nhiễm như ký sinh trùng, thần kinh, vi khuẩn gây tiêu chảy, nhưng đa số đều do tiêu hoá kém gây ra. Thực phẩm khó tiêu hoá gây rối loạn trong ruột, kích thích niêm mạc ruột hoặc gây viêm ruột dẫn tới bệnh tiêu chảy. Dù tiêu chảy do tiêu hoá kém hay do thần kinh, khi trị liệu chỉ cần phục hồi chức năng nhu động của ruột trở lại bình thường là được.

Sim: Búp và lá sim non mỗi ngày 20-30 búp, sắc uống. Một số nơi còn dùng búp sim phối hợp với búp ổi (hoặc vỏ ổi giộp), riềng, trị tiêu chảy rất có hiệu quả. Hoặc dùng nụ sim (thu hái khi còn chưa nở), liều lượng khoảng nửa chén sắc uống.

 Ổi: Lấy một nắm búp ổi nhai với vài hạt muối nuốt cả bã. Hoặc lá ổi non (búp ổi, chồi ổi) còn lông tơ, nam thì dùng 7 lá, nữ 9 lá, nhai với ít muối rồi nuốt, sau 15 phút sẽ ngưng tiêu chảy.

Hạt sen: Hạt sen, tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 15g, thêm 30g gạo nếp, một ít đường đỏ, nấu thành cháo đặc. Lúc đói, ăn cháo vào buổi sáng và tối.

Vải: Quả vải khô bỏ vỏ, hột, 50g, hoài sơn, hạt sen mỗi thứ 20g. Giã nát, nấu đến nhừ, cho gạo tẻ vào nấu cháo, hàng ngày ăn vào sáng và tối. Người bị các loại bệnh tiêu chảy mạn tính đều dùng được.

Chè gạo: Chè khô, gạo rang lượng bằng nhau, sắc với 3 lát gừng tươi, chia uống nhiều lần trong ngày. Uống khi nước thuốc còn ấm nóng.

Măng cụt: Dùng vỏ măng cụt sắc với nước đặc uống.

Gừng: Lấy 5 lát gừng, 6g tía tô, củ sả (sao vàng), vỏ quýt (sao thơm) mỗi vị 20g. Đổ 2 bát nước (bát ăn cơm) sao còn 1 bát, uống lúc còn nóng. Trị tiêu chảy do nhiễm gió lạnh. Hoặc 16g vỏ quýt, 16g gừng khô, 100g gạo cũ rang cháy sắc đặc chia uống dần.

Bông mã đề + dứa: Khi thấy đau bụng là phải đi ngoài ngay, phân có sắc vàng, mùi hôi thối, đi tiểu ít và nước tiểu có màu đỏ, khát nước nhiều, rêu lưỡi vàng. Bệnh thường gặp vào mùa hè, thu. Lấy 20g lá và bông mã đề, 40g nõn dứa (khóm, thơm) lấy đoạn trắng ở lá non của cây dứa ăn quả. Tất cả rửa sạch, giã nhuyễn rồi cho thêm ít muối. Đổ 1 bát nước sôi vào hỗn hợp thuốc, để độ nửa giờ xong gạn lấy nước uống. Bài này giúp trị tiêu chảy do thấp nhiệt.

Lưu ý: Dù trong trường hợp nào thì người bị tiêu chảy nhiều lần vẫn phải dùng biện pháp bù nước đầy đủ để tránh tình trạng mất nước nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Một thành kiến sai lầm tai hại của một số người lớn khi thấy trẻ tiêu chảy thì kiêng không cho uống nước, vì e nước uống vào sẽ làm tiêu chảy nhiều hơn.

Trong đa số trường hợp tiêu chảy thông thường, chỉ cần bù nước đầy đủ để cơ thể khỏi bị xáo trộn và tự điều chỉnh, trong một vài ngày chứng tiêu chảy có thể hết mà khỏi cần đến thuốc.

LY Hoàng Duy Tân (Nguyên Phó chủ tịch Hội đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top