Thảo dược trị ho trời lạnh

Những loại thảo dược từ lá bạc hà, lá húng chanh và gừng... có thể làm trà trị ho rất hữu hiệu trong mùa đông giá lạnh.

Ho là phản xạ sinh lý bảo vệ cơ thể tống những dị vật tại đường hô hấp ra khỏi cơ thể, đồng thời cũng là triệu chứng của nhiều loại bệnh thuộc đường hô hấp hoặc của các cơ quan khác trong cơ thể, có ảnh hưởng chức năng hô hấp.

Ho là triệu chứng của phổi thường gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, giãn phế quản…, thường xảy ra khi thời tiết thay đổi, trời lạnh.

Các loại thảo dược trị ho hữu hiệu

Bạc hà: Chất menthol trong lá bạc hà kết hợp với tinh dầu trong lá húng chanh và tinh dầu gừng là chất kháng sinh mạnh đối với các loại vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp.

Trà gừng: Được xem là loại trà thảo dược tốt nhất để trị ho. Khi bị cảm, với các triệu chứng khó chịu như đau rát cổ họng, ho nhiều và đau tức ngực, dùng 1-2 tách trà gừng ấm pha với ít nước cốt chanh và mật ong. Đây là kinh nghiệm rất hay qua sự kết hợp của 3 loại thuốc dân gian có tác dụng kháng viêm, trị ho và làm sạch cổ họng, giữ ấm cơ thể.

Trà hoa cúc: Là loại trà được làm từ hoa cúc khô hãm trong nước sôi. Với các thành phần đặc biệt từ thiên nhiên, trà hoa cúc giúp thông mũi, làm sạch họng, giúp giảm các chứng ho nặng. Thậm chí, trà hoa cúc cũng được dùng để điều trị kết hợp khi người bệnh bị sốt.

Trà thì là: Từ lâu, nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng loại trà ngâm từ hạt thì là để trị chứng đau và khô họng. Trà thì là cũng trị ho rất tốt, nó còn giúp giảm đau ngực khi ho quá nhiều.

Trà sả: Trà sả có công dụng trị cảm lạnh và ho bằng cách kết hợp lá sả non, mật ong, hạt tiêu, quế, nước cốt chanh và lá bạc hà. Loại trà sả hỗn hợp này giúp thông mũi họng, khiến người bệnh dễ hít thở hơn, giữ ấm toàn thân và làm dịu cơn ho trong mùa lạnh rất tốt.

Trà cam thảo: Vị thanh, ngọt nhẹ và lành tính. Nhiều gia đình dùng cam thảo để làm trà giảm ho mùa lạnh. Trà cam thảo có thể dùng riêng không cần kết hợp với các loại thảo mộc khác mà vẫn có tác dụng kháng khuẩn, trị ho.

Tùy bệnh mà chế thuốc

Tiền hồ: Ngày uống 8-15g dạng thuốc sắc có tác dụng long đờm, kháng khuẩn đối với tụ cầu vàng và một số vi khuẩn khác. Trong Đông Y, tiền hồ được dùng làm thuốc trị ho, long đờm, đờm suyễn, viêm phế quản.

Cam thảo: Đã được chứng minh có các tác dụng chống viêm, co thắt cơ trơn, dị ứng và giảm ho. Ngày uống 4-20g dưới dạng bột, nước sắc, thuốc hãm, thường phối hợp với các vị khác. Có tác dụng long đờm trị ho khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Gừng: Qua thực nghiệm, gừng có tác dụng chống dị ứng, co thắt cơ trơn, chống viêm, giảm ho và kháng histamin.

Gừng tươi: Ngày dùng 4-8g dạng thuốc sắc có tác dụng trị ngạt mũi, cảm mạo phong hàn, ho có đờm.

Gừng khô: Ngày uống 4-20g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị khác có tác dụng trị ho suyễn, viêm phế quản; làm thuốc chống nhiễm khuẩn trong các chứng ho, chống cảm lạnh và sổ mũi.

Cát cánh: Thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân cho thấy nhóm hoạt chất saponin của cát cánh có tác dụng tiêu đờm rõ rệt. Saponin gây kích thích niêm mạc phế quản và họng sẽ gây phản ứng tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc, làm cho đờm loãng và bị đẩy ra ngoài. Ngày uống 10-20g dạng thuốc sắc rễ cát cánh được dùng trị ho có đờm, viêm đau họng khản tiếng, viêm phế quản.

Mạch môn: Ngày uống 6-20 gam dạng thuốc sắc rễ mạch môn có các tác dụng kháng khuẩn đối với phế cầu và tụ cầu vàng, ức chế ho, chống viêm, đồng thời có tác dụng long đờm, làm tăng tiết dịch nhầy ở niêm mạc khí phế quản. Mạch môn được dùng trị việm họng, ho khan.

Dâu: Vỏ rễ dâu, ngày uống 4-12g (có khi đến 20-40g), dùng dạng thuốc sắc hay thuốc bột có tác dụng trị ho gà trẻ em, ho có đờm, phế nhiệt. Uống 4-12g lá dâu một ngày, dạng thuốc sắc có tác dụng trị viêm phế quản, viêm họng, ho.

Tía tô: Ngày dùng 3-10g sắc thuốc uống có tác dụng chống dị ứng, trị ho nhiều đờm, long đờm. Lá tía tô tươi 20g, rửa sạch sắt vụn, gạo tẻ 50g. Nấu cháo loãng, bỏ tía tô, đường phèn vừa đủ, ăn nóng. Sau khi ăn, lên giường đắp mền cho đổ mồ hôi. Dùng trị giai đoạn mới ho.

Đường phèn 500g, giấm để lâu 500ml. Đường phèn cho vào nồi sau đó đổ giấm lên, đun sôi. Chờ đường phèn tan hết, để nguội, cho vào chai dùng dần. Mỗi lần uống 10 ml, mỗi ngày uống 2 lần. Dùng trị ho khan mới phát.

Tỏi 5 nhánh, bách bộ 15g, sinh cam thảo 5g. Thêm đường phèn và nước vừa đủ đem sắc thành 2 chén nước, chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng trị ho mới phát, mũi tắc hoặc chảy nước mũi.

Củ cải một củ, hồ tiêu 5 hạt, gừng tươi 3 lát, trần bì một miếng. Củ cải rửa sạch, thái thành miếng nhỏ sắc cùng với hai thứ kia để uống. Dùng trị ho lạnh chảy dãi.

Trứng gà 2 quả, đường phèn 50g. Lấy một chén nước, cho đường phèn vào nấu tan hết, để nguội. Đập trứng gà, đánh tan rồi hấp chín, cho vài giọt nước gừng vào ăn. Dùng trị ho khan.

Quả quất 2 quả, cắt làm đôi, bỏ hột, thêm ít Đường phèn. Cho vào bát, hấp trong nồi cơm cho chín. Để ấm ấm, ngậm nuốt dần. Ngày 4 lần.

Huyệt có tác dụng tốt đối với ho là huyệt Thái uyên ở cổ tay. Dùng điếu ngải cứu 3 - 7 lần. Cũng có thể lấy đầu cong kẹp tóc kích thích 7 - 10 lần. Nếu không có vật dụng gì, có thể dùng tay day ấn cho đến khi xung quanh huyệt nóng lên mới thôi.

Lương y Hoàng Duy Tân (Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông Y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ từ vỏ chanh

Lợi ích bất ngờ từ vỏ chanh

Nhiều người thường chỉ vắt chanh lấy nước sau đó vứt vỏ đi. Tuy nhiên, vỏ chanh cũng chứa những khoáng chất mang lại nhiều ích lợi sức khỏe bất ngờ.
Kiểu ăn uống làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Kiểu ăn uống làm tăng nguy cơ mắc ung thư

Trong nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học Public Health Nutrition, nhóm tác giả từ Đại học bang Ohio (Mỹ) cảnh báo không phải món ăn cụ thể nào mà chính chế độ ăn tổng thể của bạn có thể tiềm ẩn rủi ro ung thư.
back to top