Tết xưa “ăn đụng” thật vui

Tết cổ truyền của dân tộc lại sắp đến. Hôm trước, mẹ gọi điện từ quê, bảo tôi gắng về sớm để phụ gia đình sửa soạn, chuẩn bị cho Tết. Năm nay, nhà tôi sẽ nấu bánh chưng và “ăn đụng” lợn.

Nghe mẹ thông báo, tôi thấy vui. Bởi, đã từ lâu, mỗi khi Tết tới, mẹ thường ra chợ mua thịt lợn về nấu bánh chưng, sửa soạn cỗ Tết, chứ không “ăn đụng”. Tôi nghĩ năm nay, nhà mình sẽ làm cỗ to và rất vui khi con cháu đủ đầy để Tết thêm phần tươm tất.

Tục “ăn đụng” thịt lợn ngày Tết đã trở lại không chỉ ở quê tôi, mà rất nhiều nơi khác. Có lẽ, mọi người, mọi nhà đều muốn chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, muốn ăn thịt lợn tự nuôi, sạch, ngon… Điều này được nhiều người quan tâm trong bối cảnh thực phẩm ngoài thị trường không phải lúc nào cũng đảm bảo, thậm chí có chất cấm, hóa chất nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Nhớ về quãng thời gian ấu thơ nơi quê nhà, tục “đụng lợn” ngày Tết rất phổ biến trong làng, xã. Rất ít nhà mua thịt ngoài chợ. Thông thường, 3 đến 5 hộ gia đình, anh em dòng họ hoặc giữa các hộ trong xóm “đụng lợn” với nhau. Họ sẽ thỏa thuận, phân công người nuôi lợn. Cũng có khi, việc này được phân bổ luân phiên qua từng năm. Nghĩa là, nhà này nuôi năm nay, nhà kia sẽ nuôi năm sau, luân chuyển quay vòng đủ lượt.

Ngày trước, thỏa thuận “đụng lợn” ở quê thường được trả bằng thóc lúa. Tùy con lợn to, nhỏ khác nhau, mỗi người phải trả bao nhiêu kg thóc. Ngày nay, nhiều người vẫn trả công nuôi lợn bằng thóc lúa, nhưng cũng có một số nơi trả luôn bằng tiền.

Không khí những ngày cận Tết, mọi nhà đều mổ lợn làm cỗ khiến không khí rất vui nhộn. Ngay từ ngày 26, 27 tháng Chạp, nhiều nhà đã bắt, mổ lợn từ sáng sớm. Rộn rã hơn cả là sáng 30 Tết. Trước đó, người dân chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, thực phẩm.

Trong lúc người lớn tất bật với công việc, đám trẻ nhỏ chúng tôi hồi ấy thường được phân công đun nước, cắt những tàu lá chuối để ra sân gạch làm chỗ ngả thịt chia phần... Chúng tôi ngóng chờ lúc chia phần cho các hộ “ăn đụng”. Ai cũng muốn mang nhanh thịt về nhà. Anh em tôi thường luộc đuôi ăn trước, tóp mỡ để ăn dần…

Năm nay, trở về nhà đón Tết, tôi lại được hòa mình vào không khí rộn rã của làng quê như thuở ấu thơ ngày trước; lại được tham gia “đụng lợn”, gói bánh đón Tết. Không khí đón giao thừa sẽ mang tới niềm vui cho mọi người, mọi nhà…

Theo Đời sống
back to top