Hiểm họa từ giếng, ao, hồ trữ nước chống hạn

Trong quá khứ ở nước ta từng xảy ra không ít các vụ tai nạn gây chết người vô cùng đáng tiếc tại các giếng, ao, hồ… trữ nước chống hạn.

Nguyên nhân do bất cẩn, chủ quan, không rào chắn cẩn thận nên đã gây nên những vụ thiệt mạng vô cùng đáng tiếc, trong đó phần nhiều là trẻ em…

Thực tế, tại các tỉnh vùng Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung, từ vài thập kỷ trở lại đây người dân thường có phong trào đào rất nhiều giếng, ao, hồ, vũng... để làm chỗ trữ chứa nước dành cho việc tưới tiêu cây trồng, phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm trong những tháng mùa khô. Phương cách tích trữ nước để chống hạn bằng kiểu đào giếng, ao, hồ là kiểu làm hợp lý khi mỗi gia đình tự chủ động được nguồn nước để tưới tiêu, đảm bảo cho cây trồng mùa màng không bị thất bát vì thiếu nước.

Tuy nhiên, khi đi qua những địa phương có phong trào đào giếng, ao, hồ để tích trữ nước chống hạn hán trên, tôi quan sát thấy nguy hiểm luôn trực chờ từ chính những cái giếng, ao, hồ trữ nước chống hạn. Đa số không được rào chắn, che đậy, hoặc là cắm biển, bảng với nội dung cảnh báo sự nguy hiểm để người dân, nhất là trẻ em tránh xa.

Thiết nghĩ, việc người dân, nhất là người nông dân ở những vùng sở hữu ao, hồ, giếng trữ nước cần phải có các biện pháp để đảm bảo sự an toàn tính mạng cho mọi người, tránh những vụ đuối nước đáng tiếc xảy ra.

Nên dựng hàng rào kiên cố xung quanh ao, hồ chứa nước và có trổ cổng xuống nơi lấy nước. Với chiếc cổng trổ xuống ao, hồ đó cũng cần phải có khóa cẩn thận và nó chỉ có thể được mở ra khi có nhu cầu. Với những ao, hồ chứa nước chống hạn chưa có điều kiện để làm được các hàng rào kiên cố, các gia đình nên rào tạm bằng tre, nứa xung quanh hoặc cắm những tấm bảng, biển với nội dung “cấm tắm”, “cấm lại gần”... vì hồ, ao sâu, nguy hiểm để mọi người từ chủ động phòng ngừa hiểm họa. Đối với những gia đình có giếng nước sâu trữ nước nên thiết kế thành miệng giếng cao, đồng thời có nắp che đậy cẩn thận.

Theo Đời sống
back to top