Về mặt lâm sáng, biểu hiện của cao huyết áp là nhức đầu, lưng cứng, mặt đỏ, đầu nặng, chân nhẹ, tim đập mạnh, huyết áp vượt quá 140/90mmHg. Công pháp trị liệu kết hợp giữa luyện thở, luyện tâm và luyện thân để thu nhận tinh hoa của trời đất giúp tư tưởng thoải mái, tâm bình, tinh thần vui tươi.
Tập thả lỏng: Thả lỏng tinh thần ở ấn đường (huyệt nằm giữa hai đầu của lông mày), tiếp đến thả lỏng cơ thể tập trung ở hội âm (huyệt nằm ở giữa bộ phận sinh dục và hậu môn).
Thở bụng sâu: Đưa khí (ý thủ) tại rốn hoặc huyệt dũng tuyền (điểm lõm khoảng giữa dưới ức bàn chân).
Tập đứng trang công: Ý thủ ngoại cảnh để làm trong sáng tinh thần, tiếp theo ý thủ rốn hoặc huyệt dũng tuyền để hạ áp. Trang công là cách đứng có tư thế phù hợp nhất để khí huyết lưu thông. Cùng tư thế đứng, người bệnh có thể dùng ý niệm tạo nhịp thở theo khí công: Hít vào dùng ý niệm dẫn khí tới huyệt đan điền. Khi thở ra tiếp tục dùng ý dẫn khí từ đan điền đến dũng tuyền. Sau khi đứng đúng và tập các công năng trị liệu, trang công có tác dụng điều chỉnh hệ thống thần kinh, cùng với ý thủ thấp để dẫn dương khí xuống điều hòa thận khiến huyết áp hạ nhanh.
Bên cạnh đó, người cao huyết áp có thể tập thêm thức thứ 5 của bài khí công “bát đoạn cẩm” của Trung Quốc có tên “Giao đầu bái vĩ khử tâm hỏa”, tác dụng cũng rất tốt. Động tác này khá đơn giản, đứng lắc thân một vòng như cây tre và hít vào, cúi gặp người thở ra. Nhịp khí sẽ giúp lắng hỏa, tâm thanh thản.
Điều cốt yếu trong luyện khí công nói chúng và tập khí công trị cao huyết áp nói riêng là sự kiên trì và được sự hướng dẫn tỉ mỉ.
BS Nguyễn Văn Thắng (Bệnh viện Thanh Nhàn)