Hỏi: Tôi bị trượt chân, hơi sưng và đau. Về nhà tôi đã dùng đủ các loại thuốc bóp nhưng không khỏi, chân càng ngày càng đau hơn. Mọi người bảo tôi bị bong gân và khuyên đi bó bột. Xin hỏi, tại sao bong gân lại phải bó bột, tưởng gẫy xương mới phải bó chứ?
Nguyễn Lan Thu (Hà Nội)
PGS.TS Trần Trung Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn: Bong gân chính là tổn thương dây chằng ở các khớp, đây là phần liên kết 2 xương lại với nhau, bong gân là một cách gọi dân gian với dạng chấn thương này. Đối với tổn thương dây chằng thì biện pháp điều trị bảo tồn là chủ yếu.
Quan trọng nhất là cần thực hiện bất động khớp bị tổn thương đủ thời gian để dây chằng phục hồi trở lại. Có thể bất động bằng dùng nẹp y tế, dùng băng chun ép nhưng tốt nhất là bất động bằng đắp bột mới đảm bảo được bất động tuyệt đối.
Thời gian cần bất động thường là 4 tuần, với người cao tuổi thì thời gian có thể lâu hơn một chút. Sau đó người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng và sau 8 tuần có thể chơi thể thao bình thường.
Những trường hợp tổn thương dây chằng nhưng do không tuân thủ đúng chỉ định điều trị sẽ dẫn đến xơ hoá dây chằng gây đau mạn tính và khó vận động sẽ phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.
Việc dùng mật gấu, rượu, xoa cao – chất nóng vào vết thương này sẽ không có tác dụng, thậm chí gây chảy máu mạch hơn. Không cố định, cố gắng vận động vì có thể dẫn đến đau dây chằng mạn tính, có dùng thuốc cũng không điều trị dứt điểm được.