Ngủ đủ giấc cũng quan trọng với sức khỏe như việc ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục, giúp cơ thể cân bằng các chức năng sinh học cần thiết.
Trong khi ngủ, các ký ức của bạn sẽ được củng cố, cơ thể bước vào quá trình phục hồi, cân bằng sự trao đổi chất và lượng đường trong máu, tăng cường hệ miễn dịch và đào thải độc tố.
Giấc ngủ buổi tối sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động vào lúc thức của bạn. Ngủ đủ giấc giúp cải thiện trí nhớ, sự nhạy bén trong công việc và học tập, khả năng giao tiếp, dễ tập trung suy nghĩ và tinh thần thoải mái hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Chăm sóc giấc ngủ Hoa Kỳ, trẻ vừa lọt lòng (từ 0 – 3 tháng tuổi) nên ngủ từ 13 – 14 tiếng/ngày. Trẻ sơ sinh (từ 4 – 11 tháng tuổi) nên ngủ từ 12 – 15 tiếng/ngày. Trẻ mẫu giáo nên ngủ từ 11 – 13 tiếng/ngày. Trẻ em tuổi đi học ( 6 – 13 tuổi) nên ngủ từ 10 – 13 tiếng/ngày. Trẻ vị thành niên (13 – 17 tuổi) được khuyến cáo ngủ từ 8 – 10 tiếng/ngày. Thanh niên và những người trung niên (từ 26 – 64 tuổi) cần ngủ từ 7 – 9 tiếng/ngày. Người già (từ 64 tuổi trở lên) nên ngủ từ 7 – 8 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe.
Tác hại tiềm ẩn của việc thiếu ngủ lâu ngày. Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số tác hại tiềm ẩn của việc thiếu ngủ:
Lo âu
Khi ngủ giúp cơ thể “loại bỏ” những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Có mối liên quan giữa thể chất và tinh thần, khi thiếu ngủ bạn không thể giải tỏa những stress từ đó khiến tâm trạng lo âu, bồn chồn… Tình trạng lo âu do cơ thể giải phóng Adrenalin, là dấu hiệu thường gặp ở những người thiếu ngủ.
Béo phì và tăng huyết áp
Khi thiếu ngủ, hormon ghrelin tăng và hormon leptine giảm (hormon ghrelin: cảm giác đói và hormon leptine: cảm giác no) chính điều này khiến dễ tăng cân. Thiếu ngủ khiến cơ thể mệt mỏi và càng “lười” tham gia các hoạt động thể chất, thêm vào đó càng có nhiều khả năng ăn nhiều chất béo bão hòa và đường.
Ngoài ra sự mệt mỏi “triền miên” còn ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch. Giấc ngủ giúp kiểm soát hormon căng thẳng, chính điều này giúp ổn định huyết áp ở mức bình thường.
Ngủ 5-6 giờ mỗi đêm có nguy cơ tăng huyết áp
Giảm chức năng miễn dịch
Giấc ngủ và hệ thống miễn dịch có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn đến viêm dai dẳng ở mức độ thấp, suy giảm miễn dịch. Trong khi ngủ, cơ thể sản xuất các protein liên quan đến chức năng miễn dịch, hỗ trợ duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời tăng sản xuất hormone cytokine giúp phục hồi và chữa lành vết thương, chống lại nhiễm trùng.
Lão hóa da sớm
Khi thiếu ngủ sẽ xuất hiện các vết thâm quầng dưới mắt. Ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm, cortisol (hormon căng thẳng) được sản xuất ra với một lượng lớn. Cortisol sẽ phá hủy collagen có trong các tế bào da, khiến da mất tính đàn hồi, mềm mại…Phụ nữ ngay cả trẻ tuổi nếu thiếu ngủ sớm xuất hiện các vết nhăn, đặc biệt các vết chân chim ở khóe mắt… Nếu bạn muốn có làn da trẻ đẹp trong mọi hoàn cảnh hãy nên đi ngủ trước 22 giờ, nên nhớ rằng làn da “tái sinh” trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 2 giờ sáng.
Suy thận
Thiếu ngủ kéo dài làm tăng khả năng phát triển bệnh đái tháo đường, bệnh tim và béo phì, các yếu tố góp phần gây ra tổn thương ở thận, dẫn đến suy thận. Tình trạng này còn làm suy giảm hệ miễn dịch, gây viêm, nhiễm trùng đường tiết niệu, lâu dài sẽ suy giảm chức năng thận.
Ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột
Dạ dày và ruột là nơi chứa hệ vi sinh vật được tạo thành từ hàng nghìn tỷ vi khuẩn có lợi, giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Thiếu ngủ có liên quan đến giảm số lượng lợi khuẩn trong ruột, tăng nguy cơ đầy hơi, khó tiêu, viêm dạ dày, buồn nôn... Ngược lại, đường ruột không khỏe cũng có thể có tác động tiêu cực đến giấc ngủ.
Mắc các bệnh về mắt
Ngủ không đủ giấc dẫn đến khô mắt, ngứa hoặc đỏ mắt, khả năng cao nhiễm trùng mắt. Mắt có xu hướng nhạy cảm với ánh sáng do không ngủ đủ giấc. Theo thời gian dễ sinh ra các vấn đề nghiêm trọng về mắt như bệnh tăng nhãn áp.
Giảm ham muốn tình dục
Nam giới bị ngưng thở khi ngủ có hàm lượng testosteron thấp hơn có thể gây hại cho đời sống tình dục. Vì vậy, hãy chắc chắn ngủ ít nhất 8 giờ mỗi ngày.