Đầy hơi, đau dạ dày, giảm trí nhớ
Kẹo cao su là một sản phẩm phổ biến trên thế giới và không xa lạ gì với bất cứ người dân Việt Nam nào. Theo một khảo sát ngẫu nhiên của KH&ĐS với 10 người là nhân viên văn phòng thì có đến 8/10 người ăn kẹo cao su sau khi ăn trưa. Theo đó, những người này chung quan niệm rằng kẹo cao su giúp làm sạch răng, hơi thở có mùi thơm tho, dễ chịu, đồng thời tạo cảm giác sảng khoái để chuẩn bị cho giờ làm việc buổi chiều. Với giá thành khá rẻ, kẹo cao su trở thành một món đồ ăn chơi phổ biến ở cả nông thôn và thành thị. Vậy chúng có thực sự tốt không? Liệu quan niệm của số đông có gì sai?
Bàn luận về vấn đề này, ThS Lưu Liên Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, đúng là hiện nay rất nhiều người sử dụng kẹo cao su để làm sạch răng, khử mùi hôi ở miệng hay giảm stress. Không thể phủ nhận những mặt lợi thiết thực mà kẹo cao su mang đến, ví dụ như giải tỏa căng thẳng, làm sạch răng miệng, đánh bay mùi hôi miệng, làm cân bằng áp suất giữa tai ngoài và tai giữa khi đi máy bay hoặc tàu xe qua đường ngầm, thông thoáng xoang tai, góp phần vào việc ngăn ngừa viêm tai, giúp người béo giảm cân... Nhưng kẹo cao su không vô hại và không thần kỳ như nhiều người nghĩ.
“Nếu lạm dụng kẹo cao su, kết quả sẽ đi ngược lại mong muốn. Cụ thể, người nhai kẹo cao su nhiều sẽ dễ gặp các tình trạng như đầy hơi, đau dạ dày, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đường tiêu hóa, hỏng men răng… Sở dĩ người nhai kẹo cao su thường xuyên gặp hiện tượng đầy hơi là do quá trình nhai khiến bạn nuốt nước bọt nhiều hơn, từ đó vô tình nuốt một lượng lớn không khí vào trong bụng, gây tình trạng đầy hơi, đầy bụng. Nhai kẹo cao su cũng đẩy lùi cơn thèm ăn. Trong khi thức ăn không được đưa vào mà dịch vị và nước bọt ra nhiều sẽ làm dạ dày dư thừa axit gây bệnh viêm loét, đau dạ dày”, ThS Lưu Liên Hương cho biết.
Tiêu chảy, béo phì, sâu răng
Theo ThS Lưu Liên Hương, trong thành phần của kẹo cao su các loại hầu hết đều có chất bạc hà nên nhai quá nhiều trong ngày có thể làm xáo trộn đường ruột, gây bệnh về đường tiêu hóa.Thông thường, mọi người đều cho rằng kẹo cao su không có đường hoàn toàn vô hại. Nhưng thực tế, dù không đường, trong kẹo cao su cũng có các chất làm ngọt thay thế. Chính vì thế, khi nhai kẹo cao su sẽ gây ra nhiều phản ứng phụ không mong muốn, điển hình là tiêu chảy và béo phì do tăng cân tiềm ẩn.
Nhiều phụ huynh cho trẻ ăn kẹo cao su khi trẻ đòi ăn kẹo vì nghĩ rằng kẹo cao su tốt cho răng miệng, lại không gây béo phì… là một sai lầm. Không nói đến những trường hợp nguy hiểm khi nuốt phải bã kẹo cao su, mà những thành phần có trong kẹo cao su có thể làm trẻ biếng ăn, béo phì không kiểm soát. Điều này sẽ rất nguy hại với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Cha mẹ nên cảnh giác, tuyệt đối không nuông chiều trẻ theo những sở thích này.
ThS Lưu Liên Hương cho biết thêm, một tác hại dễ nhận thấy nữa là nhai kẹo cao su nhiều lần trong ngày tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, phá hỏng men răng. Vì thế, răng nhanh chóng bị xói mòn, mất lớp men bảo vệ bên ngoài, răng bị tổn thương, vi khuẩn gây sâu răng có thể tấn công bất kỳ lúc nào. Nhiều người thắc mắc không hiểu tại sao mình bị sâu răng trong khi nhai kẹo liên tục, răng miệng lúc nào cũng sạch thì đây chính là lý do.
“Nếu không muốn gặp những rắc rối nêu trên, hãy sử dụng kẹo cao su một cách thông minh. Đừng lạm dụng chúng với suy nghĩ chúng chỉ là những chiếc kẹo bé tí, vô hại”, ThS Lưu Liên Hương khuyên.
Theo tạp chí Livescience (Mỹ), việc sản xuất kẹo cao su ngày nay cơ bản được làm từ nhựa của cây cho mủ khác nhau, hoặc, trong nhiều trường hợp được thay thế bằng cao su tổng hợp. Ngoài cao su được sử dụng để tạo chất nền, các thành phần phổ biến nhất trong kẹo cao su là một số loại chất làm ngọt. Một thanh kẹo điển hình chứa đến 79% đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo.