Có thói quen ngồi quán nước nhiều nên anh Đỗ Việt Hoàng (Đại La, Hà Nội) hay mua vài thanh kẹo cao su mang về. Ngày nào cũng thấy bố có kẹo, các con anh Hoàng đứa nào cũng lấy ra nhai.
Đang học chúng cũng nhai kẹo; chuẩn bị ăn, đang xem phim hay đi tập thể dục chúng đều nhai kẹo. Có hôm đến bữa, bảo chúng nhả kẹo ra để ăn cơm, cả hai đứa con anh đều lắc đầu bảo no, không muốn ăn cơm.
BS Lê Hoàng (Phòng khám Giải Phóng, Hà Nội) cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy, kẹo cao su làm giảm động lực ăn những thức ăn dinh dưỡng, giảm cảm giác đói và những người ăn nhiều kẹo cao su thường có bữa ăn kém dinh dưỡng hơn so với những người không ăn.
Thói quen nhai kẹo cao su rất không tốt bởi khi ta nhai và nuốt, không khí dư thừa khi nuốt sẽ vào bụng, tạo cảm giác đầy, không muốn ăn, có thể gây hội chứng ruột kích thích.
Trẻ em nhai kẹo cao su thường nhai một bên dẫn đến sự mất cân bằng cơ hàm hay hội chứng rối loạn thái dương hàm, gây đau mãn tính. Kẹo cao su thường chứa đường,dễ gây sâu răng, vì vậy cha mẹ không nên khuyến khích trẻ nhai kẹo. Khi không nhai kẹo, trẻ sẽ tập trung hơn với công việc, ăn ngon miệng hơn.