El Nino tái xuất từ tháng 11, bão kết thúc
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, theo kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO (El Nino Southern Oscillation – là thuật ngữ để chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina) của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 (nhiệt độ mặt nước biển là chỉ số quan trọng để đánh giá sự thay đổi của các pha trong ENSO) tiếp tục tăng nhanh. Theo đó, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái El Nino từ tháng 11/2018 với xác suất xuất hiện vào khoảng 60-70%.
Do ảnh hưởng của El Nino với xác suất cao, dự báo từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2018 nhiều khả năng chỉ còn khoảng 2-3 cơn bão, ATNĐ trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 1 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Hải cũng nhấn mạnh, dự báo bão là một trong những thách thức của ngành khí tượng, đặc biệt dự báo mùa lại là dự báo xa, độ tin cậy thường không cao. Chính vì vậy cần phải thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mới, cũng như phải biết được tính khó dự báo và những bất thường cực đoan bởi nhìn vào các bão/ATNĐ trong những năm gần đây cho thấy, bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện ngày càng khó đoán, khác thường cả về vùng đổ bộ, hướng đi lẫn sự gia tăng của bão mạnh, siêu bão...
Ngoài ra, người dân vẫn cần đề phòng các các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.
GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Hải Dương học, ĐHKHTN, ĐHQGHN: Có hai lớp bài toán dự báo bão là dự báo thời tiết (từ 1-5 hay 10 ngày) và dự báo mùa (1-6 tháng hoặc dài hơn nữa là 9-12 tháng). Dự báo bão ở quy mô thời tiết là dự báo quỹ đạo và cường độ bão của một cơn bão cụ thể hiện đang tồn tại và hoạt động. Dự báo bão ở quy mô mùa là dự báo số lượng và vùng hoạt động của chúng. Đối với dự báo mùa, nó thực sự là một thách thức và chưa thể có câu trả lời, ít nhất cho vùng Đông và Tây Bắc Thái Bình Dương. Các dự báo mùa thường độ tin cậy không cao, song, nó cũng là cách để chúng ta chủ động hơn trong việc phòng tránh.
Mùa đông năm nay lạnh hơn 5 năm qua
Liên quan đến mùa đông năm nay, ông Lê Thanh Hải cho biết, có hai điểm lưu ý. Thứ nhất, năm nay mùa đông đến sớm. Thực tế, mùa đông (gồm 3 tháng là tháng 12 năm trước và tháng 1 -2 năm sau) hay dài hơi hơn là mùa lạnh bao gồm 6 tháng (3 tháng mùa thu và 3 tháng mùa đông) đã đến sớm.
Cụ thể, tháng 9 năm nay đã xuất hiện 2 đợt không khí lạnh, trong khi tháng 9 năm 2017 không có đợt không khí lạnh nào và tháng 9 của năm 2016 chỉ có một đợt không khí lạnh yếu. Tương tự, trong tháng 10, dự báo năm nay tháng 10 có tới 4 đợt không khí lạnh. Đành rằng, tháng 10 không khí lạnh xuất hiện là điều bình thường nhưng với 4 đợt là nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy, lạnh đã đến sớm.
Thứ hai, nhiều khả năng mùa đông năm nay sẽ lạnh hơn so các mùa đông của 5 năm vừa qua. “Nhiều người nhầm rằng lạnh hơn 5 năm về trước có nghĩa là rất lạnh. Thực tế, lạnh hơn so với 5 năm về trước không đồng nghĩa mùa đông năm nay rất lạnh. Lý do là bởi trong suốt 5 năm qua, mùa đông đều rất ấm so với trung bình nhiều năm.
Vì thế năm nay lạnh hơn 5 năm qua không có nghĩa đây sẽ là một mùa đông rất lạnh, chúng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm nhưng lạnh hơn so với 5 năm rất ấm vừa qua”, ông Hải giải thích.
Về các đợt rét đậm, rét hại, các dự báo cho thấy, các đợt rét đậm, rét hại không kéo dài (chỉ xuất hiện từ 4-7) và tập ngày tập trung trong tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019.