Đóng kín cửa dễ ngạt
Nếu như vào mùa hè, để tiết kiệm điện trong việc bật điều hòa làm mát thì cần phải đóng kín cửa phòng cũng như các khe hở thì vào mùa đông, khi bật điều hòa nóng, lại phải có các khe hở hoặc thi thoảng mở cửa để không khí tươi có thể vào phòng, tránh làm ngạt, mỏi mệt, đau đầu, nhức mỏi cho người trong phòng.
Nếu đóng quá kín khi bật điều hòa nóng, phòng bí khiến không khí ngột ngạt, thiếu oxy để hô hấp, đặc biệt với trẻ nhỏ sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Điều này được GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện KH&CN Nhiệt lạnh, ĐH Bách khoa Hà Nội cảnh báo. Theo ông, khi sử dụng điều hòa nóng vào mùa đông, điều quan trọng nhất là phải điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Ví dụ: Nhiệt độ phòng đặt 22 độ C sẽ tiết kiệm hơn đặt 25 – 26 độ C.
Nghĩa là nếu mặc ấm để nhiệt độ phòng thấp thì sẽ tiết kiệm điện hơn mặc quần áo mỏng mà để nhiệt độ cao. Ngoài ra, để tiết kiệm điện thì nên giữ kín cửa ra vào và cửa sổ tránh thất thoát hơi nóng nhưng cũng phải chú ý không để thiếu dưỡng khí trong phòng.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, cấu tạo, thiết kế của máy điều hòa nên khi bật điều hòa nhiệt độ cao cho ấm vào mùa đông không làm mất oxy trong phòng. Nếu phòng quá kín thì phải thỉnh thoảng thông phòng để lấy khí tươi hít thở. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là 27m3/h/người, tiêu chuẩn Nhật là 20m3/h/người.
Khi thiếu oxy thường hay mệt mỏi và buồn ngủ. Thông thường mỗi lần mở của là đã có được khoảng 3m3 khí tươi. Nếu ít mở, ví dụ ban đêm nên để hé cửa. Khe hở chừng 0,5 cm chiều cao khe khoảng 2m để tránh mỏi mệt, khô da, thiếu dưỡng khí.
Kết hợp máy phun ẩm
Nhiều gia đình có trẻ nhỏ thường bật điều hòa cả ngày vào những khi thời tiết lạnh, nhiệt độ xuống thấp. Thói quen này có tốt cho sức khỏe không? GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho rằng, không nên lạm dụng điều hòa quá nhiều. Những lúc có mặt trời nắng ấm có thể tắt điều hòa và mở cửa sổ thông phòng.
Nhiệt độ phòng trên 18 độ C và độ ẩm trên 50%. Khi trong nhà có trẻ nhỏ nên có máy bị phun ẩm để giữ độ ẩm không xuống thấp quá. Nếu không có máy phun ẩm, có thể treo khăn ướt, đặt chậu nước trong nhà, giữ độ ẩm trên 50%.
“Nếu không dùng máy phun ẩm, có thể bật quạt thông gió trong phòng để không khí lưu thông. Nên nhớ rằng, việc lưu thông không khí là rất quan trọng đối với sức khỏe của con người nhất là với trẻ nhỏ. Để trẻ trong phòng quá lâu với máy điều hòa, kể cả mùa nóng hay mùa lạnh đều có những tác động rất xấu đến sức khỏe.
Trừ khi trời quá lạnh, nhiệt độ xuống quá thấp, dưới 10 độ C, còn lại thì nên cho trẻ tiếp xúc với không khí bên ngoài, tăng sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hạn chế những tác động xấu từ không khí nóng nhân tạo”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết.
Không để cho trẻ nằm trong điều hòa lâu dài, thời gian tối đa để sử dụng điều hòa cho trẻ không nên quá 2 tiếng mỗi lần. Sau 2 tiếng bố, me cần cho trẻ ra ngoài nhiệt đồ bình thường từ 15-20 phút.
Mỗi khi cho trẻ ra ngoài cần mở rộng cửa bế trẻ khoảng 2-3 phút để trẻ làm quen với nhiệt độ môi trường xung quanh, nhưng nhớ là để bé mặc ấm và cũng phải tránh nơi có gió. Vào ban đêm thì nên bật điều hòa trước 10 -15 phút để làm ấm phòng sau đó mới đưa trẻ vào phòng ngủ. Nên để chế độ hẹn giờ sau 2 - 3 tiếng thì tắt máy.
“Nhiều người cho rằng đặt nhiệt độ càng cao thì càng ấm đó là một quan niệm sai lầm. Bởi lẽ nhiệt độ miền Bắc nước ta vào mùa đông thường dao động từ 16 – 20 độ, có nhiều ngày có thể lạnh hơn. Nếu để mức nhiệt độ quá cao sẽ có thể gây sốc nhiệt cho người sử dụng, nhất là đối với trẻ em và người già”, GS.TS Nguyễn Đức Lợi.