Sinh thuận tự nhiên cần những điều kiện gì?

Sinh thuận tự nhiên đang có nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau. BS Lê Tiểu My, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức (TPHCM) cho hay, dù không khuyến khích, ủng hộ sinh tại nhà, vì chứng kiến nhiều điều thương tâm trong việc sinh nở, nhưng khi bà mẹ quyết sinh con tại nhà cần những điều kiện sau.

Ảnh em bé được sinh thuận tự nhiên được chia sẻ trên mạng.

Cụ thể, trên trang facebook cá nhân, bác sĩ chuyên về sản khoa cho hay: Bạn sợ bệnh viện, sợ bác sĩ, sợ y tá, sợ kim tiêm và tất thảy các loại thuốc, dao mổ này nọ. Bạn có thai và muốn được thoải mái ngồi, nằm, nghe nhạc, ăn uống, đi lại, có quan viên họ hàng bên cạnh khi bạn sanh.

Thêm lý do nữa mình được biết khi thăm các cô đỡ thôn bản vùng núi phía Bắc là “không muốn ai thấy vùng kín của mình ngoài chồng mình”. Đó là những lý do khi nghĩ về việc sanh tại nhà. Tốt thôi, y học tiến bộ, thông tin tràn ngập, người ta chủ động hơn trong các lựa chọn của mình.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho biết, để sinh thuận tự nhiên tại nhà cần những yếu tố sau:

Điều kiện để sanh tại nhà: Thai kỳ khoẻ mạnh, nguy cơ thấp; Mẹ và bé không có bất kỳ bệnh lý hay vấn đề sức khoẻ nào; Mẹ đảm bảo đủ thông tin và kiến thức về an toàn trong sinh đẻ, nhiễm khuẩn, sơ sinh; Được chồng và gia đình ủng hộ.

Cần làm gì cho việc chuẩn bị sanh tại nhà? Tìm được một nhóm nhân viên y tế hỗ trợ, nhất định phải có 1 bác sĩ Sản khoa và một nữ hộ sinh, 1 bác sĩ Nhi để khám và kiểm tra cho bé trong vòng 24 giờ đầu sau sanh. Tìm hiểu những nguồn tin tin cậy về: quá trình chuyển dạ sanh, những tai biến có thể, khi nào cần can thiệp…

Có kế hoạch B để đến bệnh viện nhanh nhất trong tình huống khẩn cấp (cả nhân lực và phương tiện hỗ trợ đưa đến bệnh viện). Khi bạn vào chuyển dạ, cần có sẵn: oxy cho bé (khi cần); bộ tiêm truyền tĩnh mạch cho mẹ khi cần bù dịch khẩn cấp; găng tay vô khuẩn, gạc vô khuẩn, bộ cắt – kẹp rốn vô khuẩn. Thuốc làm giảm hay ngăn chảy máu (phòng khi băng huyết). Và còn nhiều thứ, nhưng mấy món kể trên phải có.

“Bạn có quyền chọn lựa và quyết định, mình không phê phán bất kỳ ai, điều gì, vì mỗi chúng ta sẽ chịu trách nhiệm cho đời mình. Mình không khuyến khích, ủng hộ sinh tại nhà, vì mình chứng kiến nhiều điều thương tâm trong việc sinh nở rồi. Hãy để những người được đào tạo bài bản và có kiến thức hơn bạn trong việc theo dõi chuyển dạ và sinh nở giúp bạn vượt cạn”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

PV

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top