Xã hội tiến bộ với nhiều thay đổi trong đời sống cũng như trong nhận thức, tư tưởng người dân. Những tư tưởng trong cuộc “cách mạng” về tư tưởng ấy sẽ mang theo sự cải cách trong quan niệm “trọng nam”. Tuy nhiên, dường như khi vật chất đầy đủ hơn, cuộc sống sung túc hơn thì khát khao muốn có con trai “nối dõi tông đường”, kế tục sự nghiệp lại càng trở nên mãnh liệt. Sự tồn tại quan niệm đã ăn sâu thành “thâm căn cố đế” này khiến nhiều người – nhất là phụ nữ trở thành nạn nhân khi phải dằn vặt, cố gắng tìm mọi cách để sinh bằng được cho nhà chồng một “thằng cu”.
Sức ép từ xã hội
Trước đó, chị D. (ở Thị trấn Mai Châu, Hòa Bình), khi được mời xuống Hà Nội tham dự trong một diễn đàn có tên là: “Thế giới sẽ ra sao nếu chỉ có đàn ông?”. Tại đây, chị đã có những chia sẻ rằng: “Vẫn biết sinh con nào cũng là con song trong thực tế nhà mình, việc chỉ sinh toàn con gái từng là “điều không tốt”. Mặc dù 2 cô con gái nhà này đều ngoan, xinh xắn, học giỏi nhưng nhiều khi người ta cứ lấy chúng ra chê trách, khiến cho tâm lý của vợ chồng nhiều khi cũng bất ổn”.
Chị kể, mỗi khi trong nhà có giỗ, chạp đình đám lớn, mổ lợn, bắc rạp, người thiên hạ đến cứ chép miệng bảo: “Nếu đẻ được thằng con trai thì khi có việc lớn thế này, nó cũng gánh vác việc nặng thêm cho một tí”. Bên mâm rượu, mỗi khi chồng chị bị ép uống mà anh từ chối, lại có người ngậm ngùi: “Giá mà đẻ được thằng con trai thì giờ có bố có con cùng vui, rồi nó uống đỡ cho vài chén!”. “Chỉ có hai con gái thế này thì ra xã hội sao bằng bạn bằng bè?”…
Nhiều lần bị nghe những lời gièm pha ấy, chồng chị bắt đầu bị tác động. Về sau, anh tuy không tỏ thái độ rõ ràng như người ta là bỏ bê nhà cửa, dằn vặt vợ con, đe dọa, bắt vợ phải đẻ, đi ngoại tình… nhưng cứ mỗi lần đi ra thiên hạ về, nghe nói về việc sinh con trai, con gái thì anh lại tìm đến rượu, ngồi uống một mình, vẻ mặt rất chán đời. Nhìn chồng như vậy, chị D. tuy không hề muốn đẻ nhưng vẫn cứ chặc lưỡi nghĩ “Hay là lại phải sinh thêm thằng cu!”.
Chị P. Hoài T. (Hà Đông, Hà Nội) khi ấy đã 43 tuổi, có hai con chuẩn bị vào Đại học, nhưng vẫn tìm đến Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y, Hà Đông, Hà Nội) để nhờ can thiệp về sinh sản, mong được sinh con thêm một lần nữa và mong sao đó là một thằng con trai. Lắng nghe tâm tư của chị thì được biết: Anh chị có 2 con gái Chị từng hỏi chồng “Có nên đẻ nữa?” nhưng chính chồng gạt đi “Thôi, số mình thế thì chịu thế”.
Nhưng gần đây, kinh tế gia đình dần khá lên, chồng chị dần thành đạt, đến lúc này, chính chị lại có nhu cầu “phải sinh bằng được con trai” xuất hiện ở chị T. mạnh mẽ. Bởi, mỗi khi có người ở quê lên chơi, nhìn vào căn nhà mặt phố to của gia đình chị, họ lại dèm pha: “xây nhà tình nghĩa” rồi: “Đàn ông, 100 người thì cả 100 đều thích có con trai!”. “Càng những người giàu có, thành đạt mà không có con trai thì chuyện họ có bồ bịch, mong tìm người nối dõi ở bên ngoài là chuyện đương nhiên!”. “Phải thận trọng, biết đâu có ngày ông ấy lại nhắm ai đó đẻ hộ” rồi: “Cứ phải đẻ con trai đi cho chắc ăn”…
Thế là chị T. bất chấp tuổi tác, sức khỏe, bất chấp sự phản đối của chồng, của gia đình, bất chấp việc chữa trị khó khăn, tốn kém…. quyết làm thụ tinh ống nghiệm, mong đẻ bằng được một thằng con trai đúng theo “mong muốn”, “nghi ngờ”, “phán đoán” đầy định kiến từ những người ngoài cuộc…
Hà Nội sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở công bố giới tính thai nhi
Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở ngày 01/4/2009: tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Năm 2010: 117/100. Năm 2011: 116/100, giảm 1/100 so với năm 2010 (117/100). Năm 2012: 116/100. Năm 2013: 114,5/100; Năm 2014: 114,5/100; tính đến hết tháng 6/2015: 115/100; Năm 2015 đạt 114,5 /100 . Năm 2016 là 114 trẻ trai/100 trẻ gái.
“Tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội gia tăng trong khi số sinh của thành phố đang có xu hướng giảm. Việc nhiều người cố sinh con thứ ba là nguyên nhân khiến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội được dự báo có thể tiếp tục tăng cao nếu như Hà Nội không có những biện pháp mạnh mẽ để giảm thiểu tình trạng này” Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – KHHGĐ Hà Nội cho biết.
Năm 2015, Hà Nội đã xử lý hai trường hợp vi phạm công bố giới tính thai nhi, trong đó có một phòng khám tư ở quận Hà Đông bị phạt 40 triệu đồng và đình chỉ hoạt động vì hướng dẫn lấy máu thai phụ để chẩn đoán giới tính thai nhi. Gần đây nhất, Hà Nội cũng đã xử phạt Bệnh viện Hồng Ngọc 3 triệu đồng vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website.
Trên thực tế việc xử lý các cơ sở y tế có hành vi chẩn đoán giới tính thai nhi gặp khó khăn do khó phát hiện được vi phạm của họ. Để giải quyết tận gốc tình trạng này cần đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng như hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và việc áp dụng các biện pháp lựa chọn giới tính khi sinh để đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.
Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 208/KH- UBND ngày 14/11/2016 về việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020. Theo kế hoạch, từng bước khống chế và giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) tiến tới đưa tỷ số này trở lại mức tự nhiên, góp phần thực hiện thành công mục tiêu ổn định cơ cấu dân số, thúc đẩy bình đẳng giới, ổn định xã hội, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô bền vững. Cụ thể, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS), phấn đấu đến năm 2020 tỷ số GTKS của thành phố dưới mức 114 trẻ trai/100 trẻ gái; giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, tạo cơ sở thuận lợi để đưa tỷ số này đạt khoảng 107 trẻ trai/100 trẻ gái sau năm 2025, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.
Mạnh Thắng